Ngôi làng bên bờ sông Hậu

Đoàn Xá 09/09/2018 10:10

Nằm ngay gần phà Vàm Cống, dọc theo tuyến quốc lộ 54 bên dòng sông Hậu hiền hòa, từ mấy chục năm nay, làng nghề làm thớt gỗ ở Định An (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) đã được nhiều người biết tới. Những phiến thớt mộc mạc theo ghe thuyền xuôi ngược sông Hậu để tới nhiều thôn ấp miền châu thổ. Đặc biệt ở làng thớt hiện nay, nhiều trại còn xuất khẩu cả sản phẩm của mình sang nước ngoài, qua bên Campuchia và Thái Lan.

Ngôi làng bên bờ sông Hậu

Làm thớt, nghề độc đáo của làng Định An.

Đặc sản thớt mù u

Không ai nhớ làng nghề thớt gỗ ở Định An bắt đầu từ bao giờ, ngay cả những chủ xưởng ở đây. Chỉ biết nó có từ khá lâu, truyền từ đời này qua đời khác. Ông Nguyễn Văn Chí, 62 tuổi, chủ một xưởng thớt ở ấp An Hòa (xã Định An) kể, ngay từ khi chào đời, ông đã thấy cha mình làm thớt gỗ rồi. Do vùng đất này nằm ngay sát bờ sông Hậu, dễ dàng xuôi về Cần Thơ, Sa Đéc hay ngược lên Châu Đốc, Thoại Sơn… nên quanh năm ghe thuyền tấp nập, nhất là các ghe chở gỗ.

Cùng với một số hộ dân làm nghề mộc, nghề làm thớt gỗ dần dần được hình thành. Ban đầu chỉ là sử dụng các gốc gỗ để làm cho nhu cầu trong ấp. Sau nhiều ghe thuyền đi qua, thấy sản phẩm đẹp nên mua bán, trao đổi. Nhiều người già trong ấp bảo nghề làm thớt gỗ ở Định An bắt đầu được coi là nghề từ những năm 1950, tức là khoảng 70 năm nay.

Kể về nghề làm thớt gỗ, ông Chí bảo ở đây có đặc sản thớt bằng gỗ mù u danh tiếng, làm nên tên tuổi của làng nghề. “Ngày xưa, cả làng có hơn chục hộ làm thớt thì hầu hết sản phẩm là thớt mù u. Vì cây mù u mọc nhiều ở miền Tây, chủ yếu là mọc hoang ven sông, ven kênh nhưng khu vực giáp mặt nước. Vì thế gỗ mù u rất rẻ nhưng do cây sinh trưởng chậm, gỗ rất cứng và bền phù hợp với việc làm thớt.

Những chiếc thớt bằng gỗ mù u có độ bền cực cao, tương đương với gỗ nghiến chứ không ít hơn. Tuy nhiên, vì gỗ chắc nên việc sản xuất rất khó khăn. Có khi một trại thớt bốn năm người, một ngày chỉ làm được hơn chục chiếc thớt mù u mà thôi. Bây giờ, phần vì nhu cầu thị trường, phần vì cây mù u to không còn nhiều nên thớt chủ yếu làm bằng gỗ mít, xà cừ, tràm hay gỗ xoài. Những ai đặt trước thì các trại thớt mới làm bằng gỗ mù u mà thôi”- Chí ông kể thêm.

Trò chuyện cùng chúng tôi, vợ ông Chí, bà Viên, một người phụ nữ ở cù lao Tân Lộc lấy chồng về đây cười bảo, “ngày nhỏ tôi hay chèo ghe theo mẹ xuống ngã ba chợ Định An để bán chuối, bán sợi cỏ bàng, cỏ lác. Sau tình cờ quen ông ấy, rồi về làm dâu ở đây, thuộc luôn nghề làm thớt gỗ. Ở đây đàn ông thì cưa, đục, cắt còn phụ nữ thì chà nhám, phơi phiến. Bây giờ máy móc hiện đại, công việc cũng đơn giản hơn nhưng để làm một chiếc thớt thì bắt buộc phải trải qua các công đoạn như cắt thớt, bào láng, chà sơn hay phơi. Trong đó, phơi thớt là cực nhất vì phụ thuộc vào thời tiết. Nếu mùa mưa như bây giờ, có khi cả tuần mới đủ nắng để bào láng thớt. Thế nhưng không phơi, sản phẩm sẽ không chất lượng vì gỗ tươi rất dễ bị bục, mẻ khi sử dụng”.

Bà Viên bảo thớt bây giờ của xưởng vẫn chủ yếu bán cho các ghe, thuyền để họ đem đi về các vùng quê ở miền Tây tiêu thụ. “Có mấy ghe bên Bò Ót, Trà Uối thường lấy hàng của xưởng tôi. Họ là những ghe buôn bán thương hồ, có đủ thứ chứ không riêng gì thớt. Mỗi tháng họ ghé xưởng một lần, lấy dăm chục chiếc rồi men theo sông Hậu, vòng xuống dưới mạn Phụng Hiệp, Mỹ Tú hay Vĩnh Châu, Trần Đề gì đó. Giờ đang mùa nước nổi, buôn bán thương hồ cũng khá lắm, có ghe mới lấy hơn trăm chiếc thớt tuần rồi. Khi cuối mùa nước, họ lại tranh thủ ngược lên Hồng Ngự, Sa Rài hay sang cả bên Miên nữa. Có ghe còn mang cả gỗ về để đổi lấy thớt”- bà Viên kể thêm.

Nghề xưa mai một

Tuy nhiên, những xưởng thớt như của gia đình ông Chí bà Viên ở đây không còn nhiều bởi hầu hết các xưởng khác đều sản xuất thớt theo dây truyền máy móc, tạo ra hàng trăm sản phẩm mỗi ngày, có tên công ty. Các phiến thớt này cũng chủ yếu được xuất đi các thành phố lớn, vào trong cửa hàng siêu thị chứ không phải bán trực tiếp cho người dân sử dụng như các ghe buôn thương hồ. Thậm chí nhiều xưởng thớt còn do các ông chủ ở thành phố về thuê đất, công nhân để đầu tư bởi cái nhiều người cần là thương hiệu thớt gỗ ở Định An này. Đó cũng là lý do khiến làng nghề ngày càng mai một bởi những kỹ thuật làm thớt như chà bóng, lấy mực, ra cốt… để có được sản phẩm đặc trưng bây giờ không có nhiều người biết.

Đi dọc theo tuyến quốc lộ ngang qua Định An, chúng tôi thấy hai bên đường là vô vàn những phiến thớt xếp cạnh nhau, phơi trong nắng, trong tiếng máy cưa rè rè vang lên khắp nơi. Bây giờ đang mùa mưa, nhưng vẫn có nhiều ngày nắng. Ở một trại thớt khác, ông Năm Đông, 57 tuổi, chủ trại cho biết hiện nay trại của ông chỉ còn bốn thợ theo nghề làm thớt mà thôi.

“Cách đây khoảng hai chục năm, nghề làm thớt ở Định An phát triển thịnh vượng nhất. Trại của tôi có lúc tới ba chục thợ vì đơn hàng nhiều. Khách ở dưới Cần Thơ, Long Xuyên, Cai Lậy hay bên Cao Lãnh, Sa Đéc đều đặt hàng ở đây. Bây giờ nghề làm thớt khó khăn lắm. Phần vì phải cạnh tranh với các sản phẩm thớt gỗ công nghiệp, thớt gỗ nhựa và phần nữa, do các loại gỗ tự nhiên có giá cao, khiến nguồn nguyên liệu gặp khó khăn. Mà khác với bàn ghế, giường tủ còn có thể lấy gỗ tạp đóng, ghép mà thành chứ làm thớt, dù lớn hay bé đều phải gỗ nguyên khối. Hơn nữa, khối phải nguyên cây xẻ ra nên nhiều trại không lấy được gỗ về. Có hồi tôi phải lên tận Bình Phước, Đắc Nông lấy gỗ, tốn kém lắm”- ông Năm Đông than thở.

Cũng theo ông Năm, mặc dù thương hiệu thớt gỗ Định An ngày càng được nhiều người biết nhưng những người làm nghề lâu năm, sản xuất thủ công ở đây lại khó sống hơn, vì không cạnh tranh được với các doanh nghiệp, công ty sản xuất thớt công nghiệp có dây chuyền làm thớt khép kín lấy thương hiệu Định An. Vì thế, ngoài làm thớt, nhiều trại lâu năm ở đây hiện còn phải làm thêm các sản phẩm khác bằng gỗ sử dụng trong đời sống thường nhật như chày, cối, muỗng, đĩa, đũa gỗ nhằm kiếm thêm thu nhập và duy trì làng nghề.

Về giá cả, ông Năm Đông bảo tùy theo từng loại thớt, loại gỗ mà có giá khác nhau, đều được định sẵn. Như trại của ông chủ yếu sản xuất thớt gỗ mít, gỗ xoài nên giá cũng thấp. Nhưng phiến loại vừa, đường kính sau bốn mươi thì bỏ cho mối có 38 hay 40 ngàn, tùy theo đợt giá gỗ nhập về. Riêng những hàng lớn đường kính năm mươi thì giá xấp xỉ 70,80 ngàn mà phải có đơn hàng trước thì mới làm. Khoảng chừng hai tháng nữa là bước vào vụ tết, giá có thể cao hơn và đơn hàng cũng nhiều. Chứ bây giờ, hầu hết các xưởng, trại chỉ sản xuất cầm chừng, làm lai rai vậy.

Chia sẻ về việc làm thớt, anh Đặng Văn Giỏi, 25 tuổi, công nhân ở trại kể, anh là người bên cù lao Cái Sắn, phía bên kia sông Hậu nhưng sang đây là học và làm nghề thớt. “Năm ngoái tiền công của em có ba triệu mốt một tháng thôi. Từ hè vừa rồi, chú Năm tăng lên ba triệu sáu và bữa ăn trưa, nhưng phải làm tới sáu rưỡi mới nghỉ. Làm thớt dễ lắm, nhưng vất vả và bụi bặm. Mùn với mạt gỗ bám khắp người, phải đeo hai lớp khẩu trang. Em tính vừa học vừa làm ở đây thêm năm nữa, vững nghề thì xuống chỗ chợ Bào Bùn bên nhà vợ mở xưởng riêng. Bây giờ làm được sản phẩm tốt, bán cũng dễ. Không bán ở cửa hàng thì lên mạng bán cũng được”, Giỏi tâm sự.

Cũng như rất nhiều các làng nghề truyền thống khác, những người dân làm thớt gỗ ở Định An hiện đang đối mặt với nhiều sự thay đổi và cạnh tranh gay gắt của những sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng bằng niềm đam mê và kỹ năng truyền đời của mình, các xưởng thớt vẫn đứng vững trong cơn lốc thị trường.

Đoàn Xá