Những tảng đá 'đói khát'

Duy Long 09/09/2018 08:00

“Khi bạn nhìn thấy tôi, hãy khóc đi”; đó là một trong những thông điệp đáng sợ được khắc trên những “tảng đá đói khát” thời Trung Cổ, chỉ xuất hiện trong thời điểm hạn hán nghiêm trọng trên con sông Elbe, gần thị trấn Decin của Cộng hòa Séc.

Những tảng đá 'đói khát'

Thông điệp trên những tảng đá nhìn thấy trong những đợt hạn hán nghiêm trọng. (Nguồn: OddCentral).

Tảng đá đói khát, hay “Hungersteine” như người Đức gọi chúng, là những tảng đá được trạm khắc và nội dung trên đó chỉ được nhìn thấy vào mùa hạn hán nghiêm trọng, khi mực nước sông Elbe đặc biệt thấp. Người ta tin rằng thông điệp trên tảng đá nhằm cảnh báo người dân về nạn đói sắp xảy ra. Sông Elbe, bắt nguồn từ Cộng hòa Séc và kéo dài sang nước Đức, có hàng chục tảng đá như vậy. Chúng có niên đại từ thế kỷ 17, trong khi một số có từ năm 1417.

Giới chuyên gia nói rằng tảng đá “đói khát” có mục đích cảnh báo người dân rằng hạn hán và nạn đói đang tới, gắn liền với số năm được trạm khắc bên trên. Bằng cách này, người dân có thể chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.

“Nó ghi lại những mùa hạn hán khiến người dân thiếu ăn, tăng giá hay đói khát. Những tảng đá này đã ghi lại nhiều đợt hạn hán lịch sử ở châu Âu: Năm 1417, 1616, 1707, 1746, 1790, 1800, 1811, 1830, 1842, 1868, 1892 và 1893” - nghiên cứu được giới khoa học Séc công bố năm 2013 nêu rõ.

Một trong những phiến đá được phát hiện mới đây trên sông Elbe có đoạn thông điệp “Khi nhìn thấy tôi, hãy khóc đi”, trong khi một tảng đá được tìm thấy trước đó lại mang thông điệp “Đừng khóc, cô bé, đừng sợ hãi. Khi mọi thứ khô hạn, hãy cầu nguyện rằng cánh đồng sẽ ẩm ướt”.

Các tảng đá cổ xưa này mới chỉ được phát hiện từ khoảng giữa thế kỷ 20. Cái tên “tảng đá đói khát” mà người ta đặt cho nó xuất phát từ một tảng đá tương tự bên trên có trạm dòng chữ “Hungerjahr 1947”, theo tiếng Đức có nghĩa “Năm đói khát 1947”, ám chỉ nạn đói khủng khiếp từng xảy ra ở Đức trong mùa Đông 1946-1947, sau Thế chiến II.

Duy Long