2 phương án xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc
Ngày 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Qua thảo luận UBTV Quốc hội đã chốt 2 phương án là đưa ra tòa án và thu thuế đối với xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã trình xin ý kiến UBTV Quốc hội 2 phương án.
Theo đó, phương án 1 quy định: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.
Phương án 2: Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Trước một số ý kiến còn băn khoăn, bà Lê Thị Nga cho rằng, đây là vấn đề mới, nên nhiều ĐB lo lắng về khả thi là cần thiết nhưng nếu quyết tâm làm thì vẫn được.
“Ví dụ trước đây chúng ta cấm đốt pháo có nhều ý kiến song vẫn làm được. Hay yêu cầu đội mũ bảo hiểm lúc đầu cũng có ý kiến nhưng về sau cũng thực hiện được. Còn lo ngại cấp dưới kiện cấp trên có làm được không thì trong xử lý tài sản không phân biệt vị thế cấp dưới hay trên. Khi đã được giao nhiệm vụ là phải làm, hay như không vì sợ quá tải mà không làm”- bà Nga nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTV Quốc hội lựa chọn 2 phương án. Phương án 1 là ra tòa và phương án 2 là thu thuế, trình Bộ Chính trị cho ý kiến.