Tự cường và sáng tạo

Hoàng Mai 11/09/2018 07:00

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra từ ngày 11-13/9 tại Hà Nội được xem là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2018 với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu ASEAN.

Việc tổ chức WEF ASEAN năm nay tại Việt Nam chính là một bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

Không phải bây giờ WEF và Việt Nam mới có quan hệ hợp tác mà quan hệ này tồn tại dài lâu và bền chặt kể từ năm 1989. Tham gia WEF chúng ta coi đây là diễn đàn quan trọng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta. Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với WEF, chủ động, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp, sáng kiến nổi bật tại diễn đàn có uy tín hàng đầu thế giới này. Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á (tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN năm nay).

Năm 2016, theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị WEF về khu vực Mê Công lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội nhằm kết nối, quảng bá khu vực Mê Công với các tập đoàn lớn của thế giới.Việt Nam đang tích cực tham gia các sáng kiến, hoạt động của WEF trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin… qua đó tiếp cận và tăng cường hợp tác với các tập đoàn hàng đầu của thế giới nhằm mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.

Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà WEF đã ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công-tư (PPP). Đây là một nội dung hợp tác quan trọng, thực chất, theo đó WEF hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực trên nhiều mặt. Qua thời gian dài hợp tác WEF cũng đánh giá việc thực hiện thành công thỏa thuận hợp tác với Việt Nam sẽ là mẫu hình để WEF xem xét khả năng mở rộng áp dụng với các nước khác trong khu vực.

Hội nghị WEF ASEAN năm nay có chủ đề chính là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (ASEAN 4.0: Entrepreneurship and the Fourth Industrial Revolution), gắn kết với chủ đề của ASEAN năm nay là hướng tới “ASEAN tự cường và sáng tạo”. Năm nay, Việt Nam đăng cai tổ chức WEF trong bối cảnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh và phức tạp, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu sắc.

Nói như Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn- Trưởng Ban tổ chức WEF ASEAN 2018, “là nước chủ nhà và đồng tổ chức Hội nghị WEF ASEAN, chúng ta đã tạo được dấu ấn của Việt Nam khi đưa vấn đề cách mạng công nghiệp 4.0 vào nội hàm chủ đề của Hội nghị, cũng như lồng ghép nhiều vấn đề Việt Nam và các nước ASEAN quan tâm vào nội dung nghị sự của Hội nghị như khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng và đô thị thông minh, lao động- việc làm trong cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao”.

Chúng ta kỳ vọng, qua các khuyến nghị được đưa ra trong khuôn khổ WEF ASEAN lần này, các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực nhìn nhận, đánh giá đúng tầm vóc và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các nước ASEAN và khu vực, đặc biệt là tác động đến doanh nghiệp và người dân.

Trên cơ sở đó, chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn, các hướng đi và chính sách phù hợp để khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân trong cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng lực tự cường và duy trì sự phát triển năng động của các nước ASEAN, góp phần vào thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho rằng, Hội nghị WEF ASEAN cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy giao lưu, tiếp cận các ý tưởng mới, nắm bắt xu thế phát triển của thế giới và khu vực, nhất là xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội nghị WEF ASEAN còn là một ngày hội của các nước ASEAN. Với nỗ lực điều phối của Việt Nam, Hội nghị đã dành không gian riêng cho quảng bá các nước ASEAN với nội dung phong phú, hình thức sinh động, thể hiện thông điệp về ngôi nhà chung Cộng đồng ASEAN đa văn hóa, đa dân tộc, thắm tình đoàn kết, cùng chung tầm nhìn, cùng chung bản sắc. Đây là điểm độc đáo và chưa từng có ở các hội nghị WEF trước đây.

Mọi công việc chuẩn bị đến nay đã hoàn tất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội nghị hôm 9/9 đã nhấn mạnh, đây là một trong những hoạt động đối ngoại rất quan trọng của Việt Nam trong năm 2018. Thủ tướng đánh giá cao các tiểu ban đã phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, chủ động và đặc biệt là phối hợp tốt với WEF trong công tác chuẩn bị cho Hội nghị - một sự kiện là cơ hội để khẳng định khát vọng, ước mơ vươn lên tầm cao mới của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị, sẽ diễn ra nhiều hoạt động thu hút sự tham dự của đông đảo địa phương, doanh nghiệp Việt Nam như Diễn đàn mở về khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề “ASEAN 4.0 vì người dân”, Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, các hoạt động quảng bá Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh…

Hoàng Mai