Hoàng Thụy Chi: Học giả uyên bác, nặng lòng với quê hương
Khi làm quan ở nhiều nơi, Hoàng Thụy Chi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm, ghi lại ca dao, phương ngôn, tục ngữ ở các địa phương; làm thơ, phú, ký về nơi sinh sống. Là một học giả rất thông thạo chữ Hán, chữ Nôm lại biết tiếng Pháp, để lại những tác phẩm Hán Nôm nghiên cứu nhiều mặt khác nhau: lịch sử, địa dư, văn hóa, văn học, chính trị, hành chính, luật pháp.
Hoàng Thụy Chi người làng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, Phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là con trai thứ 6 của cụ Hoàng Thụy Liên và cụ bà Phạm Thị Tám, có bác ruột là Tiến sĩ Hoàng Văn Hòe (danh sĩ theo vua Hàm Nghi chống Pháp). Hoàng Thụy Chi sinh ngày 27/3 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 36 (tức ngày 18/4/1882), đỗ Cử nhân khoa Canh Tý, niên hiệu Thành Thái thứ 12 (1900), khi 19 tuổi, xếp thứ 15 trong số 90 người, là Cử nhân trẻ tuổi nhất. Tên hiệu là Tạ Ngọc. Cụ đã làm Huấn Đạo huyện Gia Viễn, Ninh Bình; Tri huyện các huyện: Kim Sơn, Ninh Bình; Việt Yên, Bắc Giang; Thanh Oai, Hà Đông; rồi thăng Tri phủ Nho Quan, Ninh Bình. Hoàng Thụy Chi được cử đi trong phái bộ sang Pháp nghiên cứu năm 1906… Cụ làm Tuần phủ Bắc Giang, sau thăng Tổng đốc, được phong Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ, và là Hội trưởng Hội Tư văn của làng Phù Lưu.
Khi làm quan ở nhiều nơi, Hoàng Thụy Chi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm, ghi lại ca dao, phương ngôn, tục ngữ ở các địa phương; làm thơ, phú, ký về nơi sinh sống. Là một học giả rất thông thạo chữ Hán, chữ Nôm lại biết tiếng Pháp, để lại những tác phẩm Hán Nôm nghiên cứu nhiều mặt khác nhau: lịch sử, địa dư, văn hóa, văn học, chính trị, hành chính, luật pháp. Viện nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ nhiều sách trong số 49 tác phẩm của cụ, đến nay còn chưa được tìm hiểu, khai thác đầy đủ. Trong số đó, có:
1. Đại Pháp Đông Dương hành chính nhất miệt, soạn năm Thành Thái thứ 17 (1905) giới thiệu địa lý Đông Dương, trong đó có Đại Pháp Đông Dương địa dư toàn đồ.
2. Bắc Kỳ địa dư toàn đồ, soạn năm Thành Thái thứ 17 nói về địa lý miền Bắc Việt Nam.
3. Đại Nam quận quốc chí Bắc Kỳ các tỉnh, soạn năm Thành Thái thứ 17.
4. Đại Nam quận quốc chí lược, soạn năm Thành Thái thứ 17, là sách địa lý giản lược về kinh đô Huế và các tỉnh của Việt Nam. Mỗi tỉnh đều chép về lịch sử, địa lý, vị trí, giới hạn, số phủ, huyện, tổng, xã, tổ chức hành chính.
5. Ngũ châu các quốc đồ chí, soạn năm Thành Thái thứ 17 giới thiệu sơ lược địa chí các nước thuộc 5 châu trên thế giới.
6. Tự Hà Nội chí Ba lê trình đồ lược ký, soạn năm Thành Thái thứ 18 (1906) lược ghi hành trình từ Hà Nội đến Paris.
7. Doanh hoàn toàn chí lược biên, soạn năm Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân thứ 4 (1910), nói về địa lý tự nhiên, địa lý thế giới gồm thiên văn, sao chổi, định tinh, sao băng, ngân hà, mặt trời, mặt trăng, vĩ tuyến, năm vòng đai trên quả đất, gió mưa, núi non, sông ngòi, chính thể, tôn giáo, châu Á và các nước châu Á.
Tiếp sau là các sách nghiên cứu về chính trị, hành chính, luật pháp:
1. Đông Dương cai trị thập điều lược ký, soạn năm Thành Thái thứ 15 (1903). Sách nói về tổ chức cai trị của Pháp ở Đông Dương: quan văn, quan võ toàn hạt, đại thần, toàn quyền, 10 công sở lớn, tư sở của 5 hạt, lệ về hưu của quan Pháp, bậc lương hưu của quan thuộc địa, hội đồng viên các hạt, các ngạch thuế.
2. Quốc triều thể lệ trích lược, nghiên cứu thể lệ triều Nguyễn về các mặt lương bổng, hưu trí, điều lệ ở lục bộ, các viện, tào, ty, quy định về các con quan vào trường học. Thể chế các đời nhà Nguyễn từ Triệu tổ Cao Hoàng đế (Nguyễn Kim) đến đời vua Thiệu Trị (1841-1847)…
Là một học giả, Hoàng Thụy Chi đã mất nhiều thời gian và công sức sưu tầm phương ngôn, tục ngữ, ca dao và phú ở nhiều nơi trên đất nước, tập hợp, ghi chép lại để khỏi thất lạc, nhằm truyền lại cho đời sau. Khi sưu tầm, cụ đã đánh giá ý nghĩa của các thể loại này, có ý thức bảo tồn, đề cao văn hóa dân tộc, và tự hào gọi đó là Nam thi của người Nam, đứng cạnh Đường thi của Phương Bắc vốn được các nhà Nho nước ta ca tụng xưa nay. Đó là một ý tưởng hiếm có trong giới Nho học.
Là một trong những nhà Nho bắt đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây, đã được cử đi Pháp, nên Hoàng Thụy Chi ở trong số ít người có đầu óc nghiên cứu khoa học, tìm hiểu thế giới, địa dư, lịch sử trong thời đại mình sống, đã dành nhiều thời gian, tìm hiểu các nước trên thế giới, châu Á và đặc biệt là Đông Dương, Việt Nam. Trong các sách của cụ có những bản đồ Đông Dương, Việt Nam, trở thành tài liệu quý cho ngày nay. Những nghiên cứu của cụ về hành chính, luật pháp thời nhà Nguyễn, về việc cai trị của Pháp ở Đông Dương đã trở thành tư liệu quan trọng cho đời sau tham khảo.
Được cử đi trong phái bộ sang Pháp, Hoàng Thụy Chi đã viết quyển “Tự Hà Nội chí Ba Lê trình đồ lược ký” kể hành trình từ Hà Nội đi Paris. Với đầu óc quan sát tinh tế, cụ đã vẽ ra lịch trình đi Pháp của mình khá lý thú.
Trong sự nghiệp văn học của Hoàng Thụy Chi, có lẽ hai thể phú và ký là sở trường trong số rất nhiều hình thái văn học của 49 tác phẩm gồm: văn phú, ký, tự, văn bia, câu đối. Hai thể phú và ký là thể loại khá tự do trong việc bộc lộ cảm hứng, là đất tung hoành trong sáng tác của Tạ Ngọc. Cụ viết hàng chục bài phú, ký vịnh cảnh thiên nhiên, trong đó cảnh Thăng Long những năm đầu thế kỷ XX có 8 bài: Sắc thu Tây Hồ; Sắc xuân Long Thành; Thư viện Phượng Trì (ven Hồ Gươm); Hóng mát trên cầu Thê Húc; Tập tiền và tập hậu Du lãm Hồ Tây; Dạo chơi ở Châu Long; Khởi công xây dựng cầu sông Nhị.
Hoàng Thụy Chi có nhiều bài phú, bài ký như một nhà văn, nhà báo theo sát thời sự. Bài “Khởi trúc Nhị hà kiều phú”(Khởi công xây dựng cầu sông Nhị) ca ngợi công trình xây dựng cầu bắc qua sông Nhị, và nói lên lòng yêu nước, mỉa mai giặc phương Bắc (Tôn Sĩ Nghị rút chạy qua sông Hồng đứt cầu phao; Cao Biền yểm bùa).
Tạ Ngọc còn soạn nhiều văn bia để ở Phù Lưu, trong các đình, chùa, hương hiền từ. Năm Quý Dậu (1833), Hoàng Thụy Chi đã soạn các bia: bia Chung lâu, bản thôn Hương hiền từ bi minh, Ngự sử Từ Hiên Công từ đường bi ký, Từ đình bi minh, Hiển tổ Từ Hiên Công mộ bi ký, Trùng tu ấp đình bi ký. Trong “Hương hiền từ bi minh”, Hoàng Thụy Chi chỉ với chưa đầy 200 chữ đã viết rất hay, nêu rõ quan hệ gắn bó giữa quê hương và con người Phù Lưu, quan hệ giữa địa linh và nhân kiệt.
Làm việc ở nhiều nơi từ Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Đông đến Hà Nội mà lòng cụ luôn hướng về quê nhà, có nhiều công lao đóng góp cho Phù Lưu, đã ghi sâu trong tâm tư người dân qua bao năm tháng, tới nay nhân dân và chính quyền vẫn nhớ. Người dân vẫn nhắc đến con đường đá xanh của cụ Tuần Chi, bia cụ Tuần Chi dựng ở Hương hiền từ, lăng Tuần Chi… Khi làng Phù Lưu trở thành khu phố Phù Lưu, thị xã Từ Sơn, con ngõ dẫn từ đường chính vào lăng của cụ đã được đặt tên là Ngõ Lăng. Hình ảnh lăng Tuần Chi xuất hiện rạng rỡ trong truyện “Làng” của nhà văn Kim Lân nổi tiếng.
Năm Quý Dậu (1933), Hoàng Thụy Chi đã đứng ra xây cổng theo lối tam quan, lắp cánh cổng sắt, lát lại sân, sửa, lợp lại ngôi đình của làng có từ thế kỷ thứ XVI, thờ hai danh tướng của Triệu Việt Vương (Trương Hống, Trương Hát) đánh quân nhà Lương giữa thế kỷ thứ VI, khiến cho đình trở nên cao rộng, đẹp đẽ hơn.
Cụ đã góp công lớn trong việc dựng Hương hiền từ của làng, thờ những nhà khoa bảng và những vị có công với làng, tỏ lòng tôn sư trọng đạo và biết ơn tiền nhân, khác với văn chỉ nhiều nơi chỉ ghi tên các người đỗ đạt. Cụ đã xây dựng và viết các văn bia ở Hương hiền từ năm Quý Dậu (1933), đặt ở sân và trong nhà thờ. Hiện nay, Hương hiền từ đã được trùng tu, trở thành một địa chỉ văn hóa của Phù Lưu.
Năm 1934, cụ đã tặng làng một ngôi trường bề thế.
Hoàng Thụy Chi đã góp phần trong việc nâng cao diện mạo của quê mình, khiến Phù Lưu vừa là một làng buôn bán nổi tiếng, vừa là một làng văn hóa có những nét riêng. Câu đối ở các cổng làng do cụ soạn, ốp sành sứ rất đẹp. Năm 1932, cụ đã chi một số tiền lớn lát toàn bộ đường chính trong làng bằng đá màu xanh da trời bốn tấm 50x50 cm, đường ngõ lát hai tấm. Con đường lát đá xanh, độc nhất vô nhị như một dòng sông xanh chảy khắp làng. Đến nay, con đường đó vẫn là niềm kiêu hãnh của Phù Lưu. Đặc biệt, hai bên đường chính dựng các cột trên lắp đèn dầu, tối đến tuần phiên thắp đèn dầu, sáng như phố thị. Sáng kiến chiếu sáng đường làng ban đêm với những cây đèn dầu của cụ những năm ba mươi, có lẽ không làng nào có.
Hoàng Thụy Chi là một nhà Nho xuất sắc, một học giả uyên bác, đã bắt đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây, vẫn nặng lòng với quê hương, với truyền thống Việt Nam. Cụ ở trong số các vị quan rất quan tâm xây dựng quê hương, đã đóng góp nhiều công sức cho làng Phù Lưu; là một trong những nhà Nho tân tiến, bắc cầu giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX.