Bứt phá trong thời đại 4.0
Sáng 11/9, tại Hà Nội đã diễn ra phiên toàn thể Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN).
Thông điệp gửi tới giới trẻ của diễn đàn mở này khá rõ ràng: “Các bạn hãy nghĩ về giấc mơ, những điều kỳ diệu tạo cảm hứng cho các bạn trong tương lai. Khi cơ hội gõ cửa, chúng ta hãy mở cửa. Bản sắc chỉ có thể được tạo dựng nếu chúng ta có đam mê”.
Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả” . Ảnh: Quang Vinh.
Tận dụng CMCN 4.0 để làm cuộc sống tốt đẹp hơn
Nhiều tên tuổi trong làng công nghệ và kinh doanh đã dự với vai trò diễn giả, như: Người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF - Klaus Schwab; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Chu Ngọc Anh; Giám đốc điều hành, Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Công ty Google Ấn Độ - Rajan Anandan; Giáo sư Tài chính (Thực hành) Đại học Quản lý Singapore - Annie Koh; Giám đốc điều hành, Tổng Công ty VNG Việt Nam Lê Hồng Minh…
Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab cho rằng so với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) toàn diện hơn, với những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, internet vạn vật (IoT), robot…- điều đó, theo GS Klaus Schawab sẽ giúp “định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống…”. Không chỉ có thế, CMCN 4.0 còn “định nghĩa” lại chúng ta là ai? Và rằng, muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc CMCN 4.0. Mà muốn tận dụng tốt lợi thế cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của sự chuyển mình này. Để đạt được thành công trong CMCN 4.0 chẳng có cách nào khác là xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ càng cho những gì sắp tới. Đặc biệt, con người không nên và không thể trở thành “nô lệ” của công nghệ mà trái lại phải biết tận dụng chúng nhằm làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.
Phiên thảo luận đặc biệt này là sự phối hợp giữa WEF và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm tạo nên một diễn đàn cho giới trẻ, sinh viên, doanh nhân, chuyên gia trẻ và công chúng một cơ hội để thảo luận về tương lai của chính mình, trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN. Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và chia sẻ khởi nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 với mong muốn xây dựng một ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trong phát biểu chào mừng cho rằng, chúng ta cùng chứng kiến cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên sự phát triển và những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ trọng tâm của cuộc CMCN 4.0, đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Ở đó, cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ tư.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc CMCN 4.0.
Cần sự dấn thân của giới trẻ
Theo CEO MBIC- bà Yasmin Mahmood, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra rất nhanh chóng. Nếu như trước đây, phải mất đến 25 năm để điện thoại đạt được con số 100 triệu người sử dụng thì điện thoại thông minh chỉ mất có 16 năm để đạt được con số này. Thậm chí trò game Angry Birds chỉ mất có 35 ngày để đạt được con số 50 triệu người dùng. Những người chiến thắng sẽ là những người nắm bắt được cơ hội. Vậy trong cuộc CMCN 4.0, các quốc gia cần phải chuẩn bị như thế nào?- bà đặt vấn đề. Bà Yasmin Mahmood đưa ra khuyến nghị, với cuộc CMCN 4.0 sẽ có những khó khăn, thách thức trong ngắn hạn trước khi thu được những lợi ích trong dài hạn. Vì vậy, các Chính phủ cần có những chính sách thích hợp để tận dụng được những cơ hội từ cuộc cách mạng này.
Trả lời câu hỏi của sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội về điều mà thanh niên cần phải làm để thích ứng với những thay đổi của CMCN 4.0, Bộ trưởng Thể thao và thanh niên Malaysia Syed Saddiq (Bộ trưởng trẻ nhất trong Chính phủ nước này) cho rằng, họ không đơn giản là cần thích ứng, tuân theo những quy tắc thông thường. Đặc biệt, thanh niên ASEAN, cần thay đổi tư duy của mình, làm những việc vượt ra ngoài khuôn khổ, giới hạn bản thân. “Giới trẻ hãy theo đuổi những đam mê của mình, cho dù mục tiêu có thể khó khăn như trở thành chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp trẻ…”, ông Syed Saddiq kêu gọi.
Còn. GS. Annie Koh- Phó Chủ tịch VP Phát triển kinh doanh (Singapore) thìcho rằng, thanh niên cần suy nghĩ thế hệ của mình sẽ cần gì trong vòng 10 năm tới - họ là những người trẻ, có tham vọng, chấp nhận rủi ro, sẵn sàng theo đuổi đam mê bằng những nỗ lực phi thường để đạt được những kết quả khác thường. Một khi theo đuổi đam mê, họ có thể làm nên nhiều điều kì diệu.
Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của chính mình, Giám đốc điều hành, Tổng Công ty VNG Việt Nam Lê Hồng Minh cho biết, thế hệ của ông là một thế hệ may mắn khi sinh trưởng đúng vào thời điểm máy tính để bàn đã khá phổ biến và mạng internet đã bắt đầu xuất hiện rộng rãi.Nhưng những điều mà thế hệ ông cho là kỳ diệu thì lại trở thành điều bình thường trong tương lai. Vì thế, ông khuyên, thế hệ trẻ ngày nay nên hình dung về tương lai 20 năm nữa: “Đó chính là tương lai của các bạn. Các bạn hãy xây dựng một công ty hàng tỷ USD tại Việt Nam và châu Á. Đừng cho rằng những gì chúng ta đang tiếp nhận là bình thường. Đừng làm những điều bình thường, hãy làm những điều khác biệt. Đó chính là cách chúng ta phát triển”- ông Minh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn sáng 11/9 đã có buổi họp báo ra mắt cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, của GS Klaus Schwab- người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF. Nói về lý do viết cuốn sách này, GS Schawb nhấn mạnh: “Chúng ta không thể xem nhẹ cuộc CMCN 4.0 vì nó có tác động mạnh mẽ không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn về kinh tế và xã hội của thế giới. Đây không phải là một cuộc cách mạng đơn thuần về 1 công nghệ, mà là nhiều công nghệ khác nhau...”.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ Ngoại giao chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Việt là bởi Việt Nam nhận thấy, cuộc cách mạng đã làm thay đổi thế giới rất to lớn. Không có một quốc gia nào không chịu tác động bởi cuộc cách mạng này.
* WEF ASEAN 2018 qua những con số: Hơn 1.000 đại biểu đến từ 43 quốc gia dự Diễn đàn, trong đó 300 đại biểu đến từ các nước bên ngoài ASEAN. Hơn 70 nhà lãnh đạo trẻ, 7 lãnh đạo Nhà nước hoặc Chính phủ và hơn 90 nhân vật đại diện cho các quốc gia ASEAN sẽ tham dự Diễn đàn. Có 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng trong khuôn khổ Diễn đàn.
* Phần đông giới trẻ ASEAN lạc quan với cơ hội việc làm trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4- đó là thông tin được ông Justin Wood- Giám đốc khu vực châu Á của WEF đưa ra trong cuộc họp báo liên quan đến giới trẻ và việc làm trong khuôn khổ hoạt động của WEF, ngày 11-9, dựa trên một điều tra xã hội học theo đặt hàng của WEF, với sự tham gia của 64 ngàn người trẻ (đến 30 tuổi) 7 nước Đông Nam Á.
Lạc quan với tương lai việc làm, 51% số người trẻ được hỏi cho rằng công nghệ làm tăng cơ hội việc làm. 67% cho rằng công nghệ sẽ giúp kiếm nhiều tiền hơn. Cuộc khảo sát với mục đích phục vụ cho Diễn đàn WEF ASEAN 2018 và các nhà tổ chức hy vọng có sự kết nối với giới trẻ ASEAN để họ cảm nhận về thị trường việc làm và thu nhập trong tương lai.