Thuế răn đe
Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, cho ý kiến lần 3 vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ủng hộ phương án thu thuế đối với tài sản bất minh, nhưng sau đó phải phạt gấp 3 lần số thuế để răn đe. Như vậy, nếu theo phương án này, tính cả thuế và tiền phạt thì người có tài sản bất minh sẽ phải nộp hơn 100% số tài sản khai báo gian dối hoặc không khai báo. Đây được coi là đề xuất mang tính răn đe cao để phòng chống tham nhũng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, biện pháp đưa ra tòa giải quyết đối với tài sản bất minh của cán bộ, công chức rất mất thời gian và phiền phức, bởi nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan. Đồng quan điểm với ông Hiển, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, giải pháp đưa ra tòa giải quyết đối với tài sản bất minh không có tính khả thi trong thực tế, bởi không có cấp dưới nào dám ký gửi hồ sơ của cấp trên ra tòa để xem xét khối tài sản của “sếp” là tham nhũng hay hợp pháp.
Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị thực hiện giải pháp thu thuế đối với tài sản bất minh, nhưng không cần phải thu tới 45% như dự thảo luật đề xuất, mà chỉ cần 35%, rồi sau đó phạt gấp 3 lần do chậm nộp thuế, tổng cộng người có tài sản bất minh phải nộp 140% số tài sản đó. Dư luận cho rằng, nếu trong Dự thảo luật không thể đưa ra phương án tịch thu sung công số tài sản bất minh của cán bộ, bởi liên quan đến quyền sở hữu tài sản, quyền con người... thì giải pháp đánh thuế 140% là một cách hay.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ người ta khai gian dối, hoặc không kê khai số tài sản kếch xù đang sở hữu là bởi vì số tài sản đó có nguồn gốc không trong sạch, là tiền “bẩn” do tham ô, tham nhũng mà có. Suy nghĩ như vậy không hề sai, bởi nếu là tài sản thừa kế do ông cha để lại, tài sản do mồ hôi nước mắt mình làm ra thì có gì phải sợ mà không kê khai? Kể cả khi cán bộ khai có hàng nghìn tỷ mà chứng minh được nguồn gốc minh bạch thì Nhà nước cũng đâu có tịch thu hay đánh thuế mà phải sợ không kê khai?
Cán bộ có khối tài sản dù lớn nhưng chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì có lý gì lại phải giấu giếm? Trong cuộc sống đời thường, người ta chỉ lờ đi không công khai những gì mà họ không dám cho thiên hạ biết, bởi nó có nguồn gốc bất minh. Theo đó, việc có không ít cán bộ, công chức khai gian dối, hoặc không kê khai khối tài sản lớn mà họ đang sở hữu thì phần nhiều là do tham ô, tham nhũng mà có. Đơn giản thôi, không tham nhũng thì vì sao không giải trình được nguồn gốc tài sản?
Nhiều người dân mong muốn Nhà nước có thái độ cứng rắn đối với những cán bộ, công chức có tài sản lớn bất minh, với mục đích răn đe phòng ngừa những người đã, đang và sẽ có ý định tham nhũng. Nghĩa là khi cán bộ, công chức không kê khai trung thực, giấu giếm thì có nghĩa họ không có khối tài sản lớn đó, vì thế khi phát hiện cần lập tức tịch thu sung công. Song, nếu trong Dự thảo luật quy định như vậy sẽ bị “vướng” với quy định của Hiến pháp, cũng như những đạo luật liên quan khác.
Với lý do trên, đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là thu 140% thuế đối với khối tài sản bất minh của cán bộ, công chức là một giải pháp hay, mang tính răn đe cao, lại không xung đột với các đạo luật khác. Hay ở chỗ, khi xử lý tài sản bất minh phải cho đối tượng bị xử lý thấy sự nghiêm khắc của Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật, chứ không phải theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, “phạt cho tồn tại”. Nếu khối tài sản khổng lồ không giải trình được là do tham nhũng mà có thì việc thu thuế 45%, còn lại 55% bỗng dưng biến thành hợp pháp là dung dưỡng cho mầm mống tham nhũng.
Trên thực tế, phương án đưa ra tòa giải quyết không chỉ mất thời gian khiến người tham nhũng có điều kiện tẩu tán tài sản, trốn ra nước ngoài, hay cấp dưới không dám ký gửi hồ sơ của cấp trên đến tòa... mà còn có thể có sự phán quyết chưa được chuẩn của tòa án do trình độ năng lực của thẩm phán còn yếu, hoặc có sự “nhấm nháy” với những người bị xem xét khối tài sản lớn. Chẳng phải thực tiễn những năm qua có khá nhiều vụ án cả hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính đã phải xem xét lại bởi một số cấp tòa đã tuyên sai hay sao?
Việc phòng ngừa tham nhũng cần phải có biện pháp cứng rắn theo kiểu “bàn tay thép” siết lại cả về mặt hình sự lẫn kinh tế. Ngoài việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, còn cần phải thu hồi tối đa và triệt để tài sản tham nhũng của những cán bộ thoái hóa, biến chất, những con sâu đang ngày đêm đục khoét thân cây đất nước. Muốn thu hồi tài sản tham nhũng thì phải kiểm soát gắt gao và có hiệu quả tài sản của cán bộ, công chức, đặc biệt là những người có chức vụ quyền hạn, có khả năng và nguy cơ tham nhũng cao.
Song song với việc xử lý hình sự, cần “đánh” mạnh vào kinh tế thì mới mong đẩy lùi vấn nạn tham nhũng. Chẳng phải các chuyên gia của Tổ chức Minh bạch thế giới đã nhiều lần khuyến cáo Việt Nam rằng, mấu chốt của vấn nạn tham nhũng là kinh tế, nếu triệt đường kinh tế thì sẽ hết tham nhũng. Điều đó có nghĩa nếu anh tham nhũng không những phải đi tù, mà còn bị tịch thu hết tài sản do tham nhũng mà có. Như vậy thử hỏi còn ai dám tham nhũng nữa hay không? Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị để thống nhất phương án giải quyết. Hy vọng, tới đây vấn nạn tham nhũng sẽ bị khống chế và đẩy lùi.