Đầu tư công nghệ thì nhanh nhưng đầu tư nguồn lực cần một thời gian dài

M.Loan Ảnh: Quang Vinh 12/09/2018 16:55

ASEAN từ một góc nhìn đó là chủ đề cuộc họp báo vào cuối giờ chiều 12/9, trong khuôn khổ diễn đàn với sự tham gia của các lãnh đạo công ty PwC làm diễn giả chính. Trong cuộc họp báo ấy chủ đề phát triển bền vững của Việt Nam rất được chú ý.

Đầu tư công nghệ thì nhanh nhưng đầu tư nguồn lực cần một thời gian dài

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân.

Tại đó, các diễn giả đã nói nhiều đến thách thức của ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó vấn đề về tỷ lệ thất nghiệp là một thách thức được nhắc đến nhiều trong cuộc họp báo giống như những vấn đề được đặt ra tại diễn đàn suốt từ ngày 11/9 đến hôm nay.

Các diễn giả đã cho rằng, năng suất lao động là thách thức số 1 đòi hỏi các Chính phủ ASEAN phải cải cách về thể chế và cơ sở hạ tầng. Nhưng, mỗi quốc gia ở chặng đường phát triển khác nhau cần xem vấn đề của mình là gì? Trong đó, Việt Nam- một quốc gia có thu nhập trung bình cần làm gì?

Trả lời câu hỏi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay được xem là cao vậy cần làm gì và làm thế nào để duy trì đà này? Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, giống như nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam không phải ngoại lệ, chẳng hạn mức độ già hóa của dân số. GDP ấn tượng nhưng GDP trên đầu người và các hệ số khác chưa phải là cao. Với lực lượng lao động hơn 50 triệu người hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao để tạo ra công ăn việc làm cho ngần ấy người- đây là thách thức?

Trong nền kinh tế số Việt Nam có thể đào tạo nhân sự như thế nào khi mà hiện 18% dân số chưa có kỹ năng đầy đủ. Bà Vân nêu ý kiến và cho rằng, trước đây chúng ta dựa vào lao động chi phí thấp, còn hiện nay, Việt Nam nằm ở nửa dưới của các quốc gia có năng suất lao động cao. Muốn nâng cao năng suất theo bà Vân, chúng ta cần tập trung vào đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nghệ và đào tạo. Thực tế được bà Vân chỉ ra là nhiều DN ở Việt Nam đã thành công cả về nguồn lực con người và công nghệ.

“Để tăng giá trị gia tăng, cần biết rằng: Đầu tư vào công nghệ thì nhanh nhưng đầu tư vào nguồn lực, đào tạo kỹ năng thì cần một thời gian rất dài”, bà Vân nói.

Trả lời câu hỏi, hiện Việt Nam có thể dễ dàng rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, làm thế nào để thoát khỏi nó khi mà nguồn ODA dường như không được như xưa?, bà Đinh thị Quỳnh Vân nhận định: Việt Nam vẫn còn duy trì là môt quốc gia thu nhập trung bình rất lâu nữa. ODA trước đây dễ vay được nhưng nay không còn nữa thì Việt Nam phải tìm nguồn thay thế; cần chi tiêu vào đâu, chi tiêu thế nào; trong đó quản lý chi tiêu đầu tư công thế nào? là một câu hỏi quan trọng. Trong bối cảnh ấy, bà Vân đưa ra gợi mở: Cần huy động nguồn kinh tế tư nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế.

M.Loan Ảnh: Quang Vinh