Tìm lại hương chè Yên Bái
Chè là một trong những cây trồng mũi nhọn giúp người dân vùng cao Yên Bái xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều diện tích chè của Yên Bái đang bị phá bỏ cho dù đây là cây xóa đói, giảm nghèo.
Cây chè Yên Bái.
Diện tích trồng chè liên tục giảm
Cây chè là một trong 4 loại cây được Yên Bái xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, không những trở thành cây xóa đói, giảm nghèo mà ngành sản xuất, chế biến chè còn đem lại giá trị cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một thời, Yên Bái được mệnh danh là tỉnh có diện tích chè lớn nhất vùng Tây Bắc với trên 12.000 ha, tập trung nhiều tại các huyện Văn Chấn, Trấn Yên và Yên Bình.
Đặc biệt, giống chè Shan Tuyết Suối Giàng và chè Bát Tiên là hai thương hiệu nổi tiếng của ngành chè Yên Bái. Nhờ trồng chè, nhiều hộ dân trong tỉnh có đời sống khấm khá hơn, có tiền trang trải cho cuộc sống, thậm chí có hộ còn xây được nhà và mua xe, đồng thời tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích chè tỉnh Yên Bái liên tục giảm, năm 2010 tổng diện tích là 11.899 ha với năng suất bình quân đạt 76,8 tấn/ha và sản lượng đạt 85.914 tấn. Đến năm 2017, diện tích chè giảm sâu còn 8.510 ha với năng suất đạt 8,9 tấn/ha và sản lượng chè búp tươi khoảng 70.000 tấn, giá trị sản phẩm chè tươi mới đạt gần 300 tỷ đồng. Như vậy, chưa đầy 10 năm mà diện tích chè trên địa bàn tỉnh đã giảm 3.389 ha, đây là con số báo động về sự suy tàn của vùng chè Yên Bái cả về diện tích và chất lượng, khiến người dân trồng chè đứng trước muôn vàn khó khăn.
Với thị trường hiện nay, chắc chắn rằng diện tích chè năm 2018 vẫn còn nguy cơ giảm, với thực trạng trên hàng nghìn hộ dân trồng chè đã phá bỏ những diện tích chè chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn hoặc các loại cây trồng đòi hỏi ít đầu tư chăm sóc như cây lâm nghiệp, quế.
Đi tìm nguyên nhân
Những nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm sản lượng chè của Yên Bái là do chính quyền địa phương và doanh nghiệp chế biến chưa có chính sách, giải pháp quản lý, phát triển vùng nguyên liệu một cách hiệu quả và bền vững.
Mối liên kết giữa cơ sở chế biến và người trồng chè hết sức lỏng lẻo, trên 80% số đơn vị chế biến không có vùng nguyên liệu ổn định và không có chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu. Công tác quản lý sử dụng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hoạt động khuyến nông còn bị buông lỏng, kém hiệu quả.
Diện tích chè của tỉnh Yên Bái chủ yếu được trồng từ những năm 1970-1980, đến nay đã hết một chu kỳ khai thác. Nhưng trong 10 năm qua toàn tỉnh mới chỉ trồng mới, trồng cải tạo được trên 5.000 ha (chiếm khoảng 45% diện tích so với thời điểm 2005).
Hiệu quả kinh tế của những diện tích chè già cỗi hoặc giống cũ thấp, các hộ gia đình thiếu lao động, nên đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Các cơ sở chế biến chè tại Yên Bái chủ yếu là cơ sở nhỏ, năng lực tài chính và phương thức quản lý hạn chế, kỹ thuật và thiết bị chế biến lạc hậu, hiện chưa có đơn vị nào đủ mạnh để đầu tư làm đầu tàu xây dựng mối liên kết dẫn dắt khối doanh nghiệp chế biến chè phát triển.
Ngoài ra, ngành chè Yên Bái chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo tích cực để khai thác lợi thế phát triển nhóm sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ được sản xuất từ chè Shan và các giống chè nhập nội trồng tại vùng cao.
Triển khai đồng thời nhiều giải pháp
Nhằm ngăn chặn sự sụt giảm diện tích cũng như nâng cao chất lượng vùng chè, tỉnh Yên Bái đã đề ra kế hoạch đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2020.
Theo đó, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích chè toàn tỉnh khoảng 8.500 ha; trong đó, diện tích chè Shan khoảng 2.600 ha, trồng mới 670 ha chè Shan, trồng thay thế khoảng 1.000 ha diện tích chè già cỗi ở những nơi có diện tích chè tập trung từ 5 ha trở lên tại các huyện vùng thấp bằng các giống tiến bộ kỹ thuật năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh áp dụng biện pháp kỹ thuật và đầu tư thâm canh đưa năng suất của diện tích chè thời kỳ kinh doanh bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha/năm, sản lượng chè búp tươi đạt trên 80.000 tấn/năm.
Đồng thời, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ đạt trên 30%...
Ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để đẩy mạnh phát triển nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, sở đã xây dựng nhiều kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Đó là kiện toàn tổ chức Hội của các đơn vị sản xuất, chế biến kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá thực trạng vùng nguyên liệu chè và hướng dẫn các cơ sở chế biến đăng ký vùng nguyên liệu theo hợp đồng liên kết sản xuất hoặc chủ sở hữu. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất, chế biến chè; tiếp tục thực hiện đề án phát triển chè vùng cao và trồng cải tại chè…
Bên cạnh đó, hiện giá chè đang giữ mức ổn định, khuyến cáo nhân dân không nên chặt phá hết chè, trồng tràn lan sang các loại cây khác. Cùng đó, nên cải tạo diện tích chè đã già cỗi, kém hiệu quả sang trồng giống mới theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất cao hơn.
Bên cạnh việc quy hoạch và quản lý năng suất và chất lượng vùng nguyên liệu chè, tỉnh Yên Bái chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá nhằm giới thiệu rộng rãi tới các thị trường trong nước và ngoài nước về sản phẩm chè có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Yên Bái.
Ngoài ra, giới thiệu các tiềm năng phát triển sản xuất kinh doanh chè và nguồn lợi có thể đem lại cho thương nhân và người lao động và các ưu đãi của tỉnh Yên Bái đối với thương nhân và nhà đầu tư.
Ông Phạm Trung Lân, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái cho biết, trong những năm qua, Yên Bái rất quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chè.
Hiện Sở Công thương tỉnh Yên Bái cũng đã xây dựng các trang web quảng bá sản phẩm dịch vụ điện tử với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đưa được thông tin về sản phẩm chè Yên Bái tới 100% các tỉnh, thành phố mỗi năm từ 2 đến 3 lượt kênh thông tin, hỗ trợ kết nối để đưa sản phẩm chè Yên Bái tới các kênh tiêu thụ hiện đại và có danh tiếng như sàn giao dịch trực tuyến, siêu thị, trung tâm thương mại.
Đối với thị trường nước ngoài, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Á, Âu, Mỹ... góp phần nâng tỷ lệ xuất khẩu trong tổng sản lượng và giá trị sản phẩm chè. Mặc dù việc khôi phục lại ngành chè Yên Bái còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng hy vọng ngành chè Yên Bái sẽ sớm trở lại đúng vị thế của mình.