Phó Thủ tướng: Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh việc học tập suốt đời

M.Loan Ảnh: Quang Vinh 13/09/2018 11:20

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ Việt Nam ủng hộ và nỗ lực đẩy mạnh việc học tập suốt đời, học tập cho người lớn. Bởi, nói đến chuyện đào tạo nhiều người thường nghĩ đến thế hệ lao động ở lứa tuổi 30-45 nhưng ít nghĩ đến những người từ 60 tuổi trở lên; trong khi rất cần phải giúp người cao tuổi học tập.

Phó Thủ tướng:  Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh việc học tập suốt đời

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Việc làm trong tương lai như thế nào và cần làm gì để đáp ứng được nhu cầu việc làm trong tương lai? Đó là chủ đề của phiên thảo luận “Tương lai việc làm” diễn ra sáng 13/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018). Tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Được hỏi về định hướng tương lai việc làm ở Việt Nam và vai trò của Chính phủ trong vấn đề quan trọng mang tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển xã hội này, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: 65% trẻ em hiện đang học tiểu học ở việt Nam sẽ làm một trong những công việc hôm nay chưa có. Và, đến 2020 thì 1/3 số công việc hiện nay người lao động đang làm sẽ không còn nữa.

Đồng ý cho rằng tương lai việc làm sẽ lạc quan hơn với trường hợp của Việt Nam Phó Thủ tướng cho rằng, theo như điều tra, người dân và giới trẻ ở Việt Nam rất lạc quan về tương lai của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) kèm những thách thức mà cuộc cách mạng này đem lại, Phó Thủ tướng cho biết, với Chính phủ Việt Nam, đứng ở khía cạnh các nhà hoạch định chính sách, Chính phủ không chỉ nghĩ đến lạc quan mà còn nghĩ nhiều đến những thách thức mà cuộc cách mạng này đem lại.

“Sẽ có những nghề bị thay thế, mà Việt Nam có tỷ trọng lớn hiện nay như dệt may, da giầy, các việc làm giản đơn trong các nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử mà lao động nữ là chủ yếu”, từ thực tế ấy, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã nghĩ đến việc đào tạo mới, đào tạo lại thậm chí kể cả việc đào tạo nghề thay thế cho các lao động.

Thậm chí, với Việt Nam, quốc gia có đến 38% lao động nông nghiệp thì những lao động này cũng cần phải học kỹ năng để có thể ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và còn phải học cách bán những sản phẩm của mình. Mục đích của quá trình đào tạo mới, đào tạo lại ấy, theo lý giải của Phó Thủ tướng là nhằm giúp cho các lao động có thể làm nghề cũ ở mức độ tốt hơn hoặc thay thế nghề mới; thậm chí phải tự tìm được việc làm cho mình.

Phó Thủ tướng:  Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh việc học tập suốt đời - 1

Phiên thảo luận “Tương lai việc làm”.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam ủng hộ và nỗ lực đẩy mạnh việc học tập suốt đời, học tập cho người lớn. Bởi, nói đến chuyện đào tạo nhiều người thường nghĩ đến thế hệ lao động ở lứa tuổi 30-45 nhưng ít nghĩ đến những người từ 60 tuổi trở lên; trong khi rất cần phải giúp giúp người cao tuổi học tập.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của cuộc trao đổi, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang nỗ lực nghĩ đến việc đổi mới giáo dục trong một thế giới khó đoán định trước. Học sinh Việt Nam một mặt tôn trọng văn hóa truyền thống nhưng mặt khác, cũng cần nghĩ khác, dám đặt câu hỏi ngược lại thay vì chỉ biết vâng lời. Muốn thế “Phải đổi mới mạnh mẽ giáo dục để việc học tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ có nhiều dự án khác nhau và một trong những dự án ấy là đang nỗ lực đổi mới chương trình giáo dục, từ phổ thông đến đại học với mục đích làm sao để tương thích với chương trình giáo dục của các nước ASEAN. Cụ thể, đến năm 2019 bắt đầu ban hành chương trình mới, SGK mới.

M.Loan Ảnh: Quang Vinh