Động Châu - khe Nước Trong: Cần sớm thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên

Mai Nhung 16/09/2018 09:00

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo đề án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong. Theo đó, khu vực đề xuất thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong nằm ở phía Tây-Nam tỉnh Quảng Bình thuộc địa giới hành chính xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy.

Động Châu - khe Nước Trong: Cần sớm thành lập  Khu bảo tồn thiên nhiên

Loài vượn đen má trắng siki được phát hiện ở rừng Động Châu - Khe Nước Trong.

Theo đánh giá của tổ chức WWF, đây là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học trên thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Bình đồng ý về việc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài nhấn mạnh đến tính đa dạng sinh học đặc biệt của khu vực Động Châu - Khe Nước Trong, cũng như sự cần thiết phải thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên này. Để tiến tới thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục điều chỉnh hoàn thiện Đề án, trong đó xác định rõ thêm nội dung tiêu chí xếp hạng của Khu bảo tồn nhằm thể hiện được chất lượng đặc biệt của Khu bảo tồn; tiếp tục làm việc với các đơn vị có liên quan để điều chỉnh diện tích và phạm vi ranh giới một cách phù hợp, đảm bảo tính trọn vẹn, đồng nhất, liền kề của Khu bảo tồn. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về các nội dung có liên quan để sớm thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong vào cuối năm 2018.

Trước đó, ngành Kiểm lâm Quảng Bình đã tham mưu xây dựng đề án xác lập khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. Khi được thành lập kết hợp với khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) tạo thành vùng rừng rộng lớn (hơn 50.000 ha) bảo đảm sinh cảnh cho các loài động thực vật phát triển.

Ông Phạm Hồng Thái- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: Theo Quyết định số 3057/QĐ-UBND ngày 30/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, Khe Nước Trong nằm trong 4 khu bảo tồn thiên nhiên được quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Đối chiếu với các tiêu chí thuộc phân hạng khu dự trữ thiên nhiên, khu vực Động Châu - Khe Nước Trong đáp ứng đầy đủ điều kiện được xác lập: là hệ sinh thái rừng còn tính chất nguyên sinh trên vùng đất thấp quan trọng đối với Việt Nam và quốc tế (độ cao dưới 700m). Đây là hệ sinh thái còn lại hiếm hoi, có giá trị đặc biệt về khoa học và giáo dục về đa dạng sinh học cần phải bảo tồn.

Trong khi ở những nơi khác, hệ sinh thái này đã bị tác động và chuyển đổi thành đất nông nghiệp hoặc rừng trồng. Theo thống kê, trong khu vực hiện có 1.030 loài thực vật bậc cao có mạch và 357 loài động vật có xương sống trên cạn. Đồng thời là vùng sinh cảnh tự nhiên của 14 loài động thực vật đặc hữu; 87 loài thực vật, 44 loài động vật trong sách đỏ Việt Nam 2007; 26 loài thực vật, 46 loài động vật quý hiếm trong Nghị định 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm khai thác cho mục đích thương mại.

Đáng chú ý, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị chức năng ở tỉnh Quảng Bình thực hiện 30 đợt đặt bẫy ảnh ở Khu rừng Động Châu​-Khe Nước Trong trên phạm vi hơn 130 km2. Với 33.500 ngày đêm hoạt động của máy bẫy ảnh, thu được trên 36.000 ảnh động vật đã ghi nhận 71 loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có 32 loài thú, 37 loài chim và 2 loài bò sát. Điều đáng quan tâm, nhiều loài động vật được phát hiện đang nằm trong diện nguy cấp cần bảo vệ cao trên toàn cầu như​ sao la, ​tê tê java, ​mang lớn. Cá biệt hơn có 3 loài động vật quý hiếm là ​mang ​Trường ​Sơn, ​cầy gấm, ​triết bụng vàng lần đầu được ghi tại khu vực khảo sát. Trong đó, loài ​mang lớn được ghi nhận lần thứ 2 ở Việt Nam nhờ bẫy ảnh.

Mai Nhung