Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải Cống hiến cho cố dịch giả Đỗ Đức Dục
Giải ghi nhận đóng góp của nhà trí thức trong sự nghiệp 50 năm gắn bó văn chương, dịch thuật.
Sáng 13/9, hội thảo nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả Đỗ Đức Dục diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Hà Nội). Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học tọa đàm nhằm đánh giá đóng góp của cố tác giả trong sự phát triển văn hóa, tri thức nước nhà.
Nhà nghiên cứu, dịch giả Đỗ Đức Dục.
Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tặng giải Cống hiến cho cố tác giả. Giải thưởng không thường niên do Hội lập nên từ năm 2017, nhằm tôn vinh sự nghiệp, thành tựu trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật của các tác giả đã mất trên 10 năm. Giải từng trao cho một số gương mặt như: Hà Minh Tuân, Nguyễn Thế Phương...
Hơn 10 tham luận tập trung đánh giá đóng góp của nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục ở ba phương diện: chính trị, sự nghiệp báo chí và văn chương. Trong lĩnh vực văn học, hoạt động của Đỗ Đức Dục đa dạng, gồm sáng tác, nghiên cứu văn học trong và ngoài nước, dịch thuật... Ông quan tâm chủ nghĩa hiện thực phê phán và giới thiệu nhiều gương mặt, tác phẩm tiêu biểu của văn học Pháp đến độc giả trong nước.
Các học giả tham quan khu trưng bày di vật của nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - nhận định: "Từ rất sớm, nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục đã ý thức vận dụng tri thức lý luận mới của thế giới vào thực tiễn văn học dân tộc. Từ Balzac và văn học Pháp, ông còn mở rộng phạm vi nghiên cứu đến di sản văn chương các nước phương Tây như Anh, Nga, Pháp, Italy... Những thành tựu của Đỗ Đức Dục góp phần xác lập nền lý luận văn học Việt Nam hiện đại".
Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đức Dục (1915 - 1993) là tác giả của một số công trình như: H.Balzac - bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực (1966), Về chủ nghĩa hiện thực thời đại Nguyễn Du (1989), Miếng da lừa (1973), Bà Bovary (1978)... Sau 50 năm cầm bút, Đỗ Đức Dục để lại khoảng 1.000 bài báo và hơn 20 cuốn sách. Ông được truy tặng huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" (1993), "Huân chương độc lập hạng nhất" (2001)... Hiện nay, nhiều tuyến đường ở Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP HCM mang tên ông.