Giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế

T.Hằng 14/09/2018 08:00

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung từng nói, đại ý rằng, môi trường cạnh tranh được cải thiện có nghĩa tiết giảm chi phí gia nhập và chi phí rời bỏ thị trường cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn rất ám ảnh với thực trạng, không sản xuất kinh doanh nữa nhưng không thể đóng cửa do chưa làm xong thủ tục quyết toán thuế. Thủ tục thuế trong nhiều năm qua tại các lĩnh vực như hoàn thuế, đóng thuế, thanh tra thuế... vẫn được doanh nghiệp đặt mối quan tâm đặc biệt.

Vào thời điểm tháng 10/2015, trong cuộc đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan đại diện Công ty Cổ phần tư vấn trách nhiệm Toàn Cầu đã đặt trực tiếp câu hỏi lên Bộ Tài chính: “Việc kê khai thuế, Hải quan được thực hiện trực tiếp qua mạng, nhưng không phải lúc nào file cũng upload lên mạng được. Vậy, trong trường hợp doanh nghiệp không thể upload được file thì trách nhiệm thuộc về ai? Ngành thuế và hải quan sẽ làm gì để cải thiện tình trạng này?”.

Đương nhiên Công ty này tại thời điểm đó nhận được câu trả lời khá thỏa đáng từ Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: “Khi có trục trặc về việc khai thuế qua mạng do khách quan hoặc do cơ quan quản lý công nghệ ứng dụng thì lỗi không thuộc về doanh nghiệp. Từ tháng 4/2014, ngành hải quan đã thực hiện hải quan điện tử tại 171 cửa khẩu. Trong quy định và trên thực tiễn, doanh nghiệp chỉ nộp tờ khai giấy khi mạng bị trục trặc hoặc có sự cố về điện. Còn đối với cơ quan thuế, việc nộp thuế qua mạng đang được khuyến khích động viên. Nếu chưa thể khai thuế qua mạng, doanh nghiệp vẫn có thể nộp tờ khai giấy”.

Nhấn mạnh rằng, thời điểm đó, việc nộp thuế qua mạng chỉ mới dừng ở việc động viên. Những câu hỏi trực tiếp của Công ty Cổ phần tư vấn trách nhiệm Toàn Cầu là phổ biến. Nhưng 3 năm sau đó, đến thời điểm hiện tại, những dịch vụ thuế điện tử cung cấp cho doanh nghiệp đã trở nên phổ quát, việc khai thuế, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế. Công tác quản lý thuế trong 1 đến 2 năm nay được cải thiện rõ nét. Những kết quả mà ngành thuế đạt được trong việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo luồng sinh khí mới cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngành thuế cũng phối hợp với các cơ quan khác trong công tác trao đổi, xử lý thông tin giúp cải cách thủ tục hành chính, mang lại lợi ích cho người nộp thuế (NNT), phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giúp hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng; phối hợp với cơ quan đăng ký đất đai giúp giảm thời gian đi lại và thời gian giải quyết hồ sơ của người có quyền sử dụng đất; trao đổi thông tin với cơ quan hải quan, giúp doanh nghiệp không phải cung cấp lại tờ khai hải quan khi thực hiện đề nghị hoàn thuế.

Ngành thuế đã có những bước tiến đáng kể trong công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách. Với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là hướng tới Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Lãnh đạo ngành thuế đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết 19/NQ-CP; Nghị quyết 35/NQ- CP… nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu thuế, tạo thuận lợi thêm cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN, đồng thời nâng cao hiệu quả hiệu lực của công tác thuế.

Bên cạnh đó, với việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giúp cán bộ thuế xử lý thông tin ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh công tác hậu kiểm, từ đó thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được nhanh chóng hơn (ví dụ như hỗ trợ phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm soát hoàn thuế, phân tích rủi ro…).

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng công tác quản lý thuế ngày càng được cải thiện từ công cuộc cải cách TTHC, chính ngành thuế cũng được hưởng lợi từ việc thực hiện cải cách, thực tế công tác quản lý thuế trong những năm qua được cải thiện rõ nét: Công tác tuyên truyền, hỗ trợ; quản lý thuế; công tác thanh tra, kiểm tra đã áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong tất cả các khâu của công tác thanh tra, kiểm tra trên cơ sở dữ liệu tập trung về người nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra…

Trong quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay, việc CCHC là yêu cầu tất yếu khách quan, CCHC thuế góp phần nâng cao môi trường cạnh quốc gia, kết quả như chúng ta đã biết đầu tư nước ngoài liên tục tăng trong những năm qua. Cùng với đó là sự nhìn nhận, đánh giá của các tổ chức xếp hạng trên thế giới như: World Bank; Diễn đàn Kinh tế Thế giới… và sự đánh giá của các tổ chức phối hợp với cơ quan thuế như các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại… cũng là động lực của CCHC nói chung và CCHC thuế nói riêng.

T.Hằng