Hơn 5600 văn bản trái luật, trách nhiệm thuộc về ai?
Ngày 13/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc ban hành văn bản trái luật.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.
Chưa chỉ rõ “địa chỉ” của các hạn chế, bất cập
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, theo Nghị quyết 718, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp. Sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%), đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019, 4 dự án (chiếm 5,3%); còn lại 17 dự án(chiếm 22,6%) chưa đưa vào chương trình, trong đó so với thời hạn dự kiến có 2 dự án quá hạn 4 năm (chiếm 2,7 %), 2 dự án quá hạn 3 năm (chiếm 2,7%), 9 dự án quá hạn 2 năm (chiếm 12%).
Đáng chú ý theo ông Định, số văn bản quy định chi tiết nợ chưa ban hành vẫn còn 12/152 văn bản, chiếm 7,9%; trong đó, có 3/12 văn bản quy định chi tiết của 2 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ năm 2017 trở về trước; 9/12 văn bản quy định chi tiết của 9 luật có hiệu lực trong năm 2018.
Ngay trong số các văn bản quy định chi tiết đã được ban hành thì số văn bản được ban hành để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật mới chỉ đạt 90/138 văn bản (65,2%). Ông Định chỉ rõ: “Đây là vấn đề Chính phủ cần chỉ đạo các bộ rút kinh nghiệm, có giải pháp để khắc phục”.
“Trách nhiệm của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước việc kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa đạt được như mong muốn. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện vẫn kéo dài trong nhiều năm qua”-ông Định nói đồng thời nêu lên thực trạng “báo cáo chưa chỉ rõ cụ thể “địa chỉ” của các hạn chế, bất cập”.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cử tri rất băn khoăn về việc qua kiểm tra đã phát hiện hơn 5600 văn bản trái luật, và đây là những vấn đề xuất hiện từ nhiều năm trước đây. Đơn cử như năm 2012 qua kiểm tra 3,6 triệu văn bản thì có đến 900 nghìn văn bản sai.
“Vấn đề đặt ra là 1 văn bản sai ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức như thế nào? Cử tri mong muốn là xử lý văn bản sai này bằng cách ban hành văn bản mới là cần thiết”-bà Hải nêu vấn đề đồng thời đề nghị cần đánh giá hậu quả, tác hại trong khi việc xem xét trách nhiệm của các cán bộ tham mưu, cán bộ ban hành văn bản còn chưa quyết liệt và đó chính là nguyên nhân lớn nhất.
“Nếu chúng ta xử lý cán bộ nghiêm minh theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, ví dụ như trong 1 văn bản sai làm ảnh hưởng đến 100 người mà xử lý nghiêm, làm điểm thì tình trạng này sẽ đỡ hơn. Làm sao để tình trạng này không tái diễn trong những năm tiếp theo, do đó xử lý cần nghiêm minh và chỉ ra các địa chỉ, cơ quan tổ chức ban hành văn bản trái pháp luật”-bà Hải nêu quan điểm.
Luật cần tính ổn định
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn về tính ổn định của hệ thống pháp luật khi số lượng luật sửa đổi là khá nhiều. Trong khi có những bộ ngành thiếu chủ động trong việc ban hành văn bản dưới luật, chưa kể tình trạng lùi hoãn, nhiều dự án luật đưa vào gấp gáp bị động, thiếu chủ động.
Báo cáo đánh giá tác động rất quan trọng, ảnh hưởng tới chất lượng của luật nhưng báo cáo tác động rất sơ xài, hình thức, lấy ý kiến cũng sơ xài. Một số bộ ngành lại chưa quan tâm, bộ trưởng thì ủy quyền cho thứ trưởng, thứ trưởng ủy quyền cho vụ trưởng, vụ trưởng ủy quyền cho phó vụ trưởng, có nơi còn ủy quyền cho vài chuyên viên. Hệ thống pháp luật thiếu ổn định, thay đổi liên tục nhiều khi cầm luật này không biết sẽ ảnh hưởng đến luật nào và phải sửa luật nào? Việc không ổn định sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Nhưng hiện nay việc sửa đổi nhiều luật lo ngại sẽ dẫn đến tính thống nhất không đảm bảo.
“Như Luật Giáo dục chẳng hạn, chỉ là 1 luật nhưng lại tác động đến nhiều luật khác, chỉ thiếu mỗi liên quan đến Bộ Luật Hình sự. Như vậy là lo lắng, cảm giác tính phối hợp không đảm bảo cho nên mỗi bộ, ngành đề xuất 1 dự án luật thì đều đưa ra vấn đề có lợi cho công tác quản lý điều hành, nhưng không nhìn đến tổng thể chung. Hệ thống pháp luật của ta cơ bản là toàn diện nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt. Cho nên cứ trục trặc chút là sửa mà trục trặc là do tổ chức thực hiện chưa tốt chứ không phải luật không hợp lý. Phải cố gắng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật chứ cứ thay đổi liên tục thì sẽ khó trong tổ chức thực hiện”-ông Hiển đưa ra phân tích.
Xem xét trách nhiệm của các bộ trưởng
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng, trong thời gian gần đây trong mỗi kỳ họp của Quốc hội thì tỷ lệ luật sửa đổi chiếm tới 60%, trong khi luật mới chiếm tỷ lệ ít. Càng ban hành luật thì sửa lại càng nhiều. Cho nên cần khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, nhất là tình trạng luật chờ nghị định mới thực hiện được. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt đề nghị, khi làm luật cần chú trọng lựa chọn cán bộ có tâm, có đức.
Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, những tồn tại hạn chế chính là do việc chấp hành kỷ luật kỷ cương trong xây dựng pháp luật ở một số nơi còn chưa nghiêm. Tức là ngay từ khâu xây dựng pháp luật còn chưa nghiêm.
“Nghị quyết Quốc hội nói xem xét trách nhiệm người đứng đầu nhưng đã thực hiện tốt vấn đề này chưa?. Việc xem xét trách nhiệm của các bộ trưởng chưa được chú trọng. Nếu siết chặt vấn đề này chắc chắn tình hình sẽ khác. Chưa kể thực trạng là có một số cán bộ lãnh đạo địa phương không gương mẫu chấp hành pháp luật. Tính đến nay theo thống kê còn 151 bản án không được thực hiện”-ông Học nói.