Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng
Những ngày qua, mưa lớn và lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La và Yên Bái. Nặng nhất là tại Thanh Hóa, 13 người chết và mất tích. Sau mưa lũ, tại nhiều thôn, xã nhà cửa, đường sá, ruộng vườn bị đất đá tràn vào gây hư hỏng, ô nhiễm. Công tác khắc phục đang được các địa phương này nỗ lực triển khai.
Chính quyền địa phương cùng người dân các huyện miền núi Nghệ An ra quân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong đợt mưa lũ này, Thanh Hóa có đến 13 người chết và mất tích, trong đó có 6 người thiệt mạng do lũ dữ (huyện Mường Lát 4 người, huyện Cẩm Thủy 2 người). Mưa lũ cũng khiến 208 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 150 căn bị hư hỏng; gần 12.000 căn bị ngập trong nước; 20 điểm trường bị ngập, ảnh hưởng. Ngoài ra, hơn 2.500 ha lúa, rau màu và các cây trồng hằng năm như mía, sắn bị hư hại; khoảng 11.300 con gia cầm chết. Trong số các địa phương, huyện Mường Lát bị thiệt hại nặng nề nhất.
Ngoài thiệt hại về người, theo thống kê sơ bộ, cho đến trưa ngày 3/9, mưa lũ đã khiến 105 nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm nhà khác bị ảnh hưởng, hư hỏng; 300 hộ dân đã phải di chuyển đến nơi an toàn. Tới thời điểm này nhiều điểm đường về thị trấn vẫn bị chia cắt do đường bị sạt lở nghiêm trọng.
Để giúp người dân các huyện miền núi Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa huy động hơn 2.400 cán bộ chiến sĩ, Công an tỉnh huy động hơn 1.650 cán bộ chiến sĩ cùng phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cũng đã cử các đoàn công tác đến các vùng bị thiệt hại nặng hỗ trợ khẩn cấp 3.360 thùng mì tôm, 200 áo phao, 130 thùng nước khoáng,…
Còn tại tỉnh Nghệ An, các thủy điện đồng loạt xả lũ khiến mực nước trên sông Lam lên nhanh. Vào khoảng gần 7h ngày 1/9, cầu Chôm Lôm bắc qua sông Lam (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông) đã bị đứt gãy mố phía Nam, khiến cây cầu này có nguy cơ bị cuốn trôi. Sự cố này làm 500 hộ dân ở 3 bản Đồng Tiến, Chôm Lôm, Yên Hòa, xã Lạng Khê bị cô lập. Hiện nay, do nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên nhiều nhà dân ở các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương vẫn bị ngập sâu.
Mưa lũ đã khiến 1 người ở bản Cáp Na, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn (Sơn La) thiệt mạng do bị lũ cuốn trôi; 1 người ở bản Khúm Khia, xã Hua Nhàn huyện Bắc Yên bị thương do đá lăn trúng người. Về nhà ở, có tổng cộng 110 nhà ở các huyện Mai Sơn, Mường La, Quỳnh Nhai, Vân Hồ, Bắc Yên, Yên Châu và TP Sơn La bị ảnh hưởng; nhiều hộ trong số này đã phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Về sản xuất, đã có trên 100 héc ta diện tích lúa ruộng và cây ăn quả bị thiệt hại, hàng nghìn m2 ao cá bị cuốn trôi, với sản lượng cá bị cuốn trôi trên 5 tấn; nhiều trường học và công trình công cộng bị nước ngập, sạt tà luy dương hoặc sập đổ tường bao…
Còn tại tỉnh Yên Bái, mưa lớn đã gây ra lũ quét ở Ngòi Thia, xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn làm 1 người chết là bà Lò Thị Lặn, sinh năm 1974, trú tại bản Nà Ban, xã Thạch Lương bị lũ cuốn trôi trên đường ra thăm ruộng lúa. Ngay sau khi xảy ra lũ quét, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Chấn đã di dời khẩn cấp 78 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, sạt lở.
Hiện nay công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ cũng như cứu trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai đang được các địa phương khẩn trương thực hiện, với quyết tâm không để hộ dân nào bị đói, rét.