Phòng chống tội phạm mua bán người
Những năm qua, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, tình hình tội phạm cũng gia tăng và hoạt động ngày càng tinh vi, nhất là tội phạm mua bán người diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Tuyên truyền để người dân hiểu hơn nữa về nạn buôn bán người.
Các hình thức núp bóng
Số liệu mà Bộ Công an đưa ra tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây đã cho thấy sự nhức nhối tình trạng mua bán người.
Theo đó, trong 5 năm (2012 – 2017), tội phạm mua bán người xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với số nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán là 3.090 người. Đến nay, vẫn còn tới 519 nạn nhân chưa được giải cứu, trở về. Ngoài ra, có 868 trường hợp phụ nữ vắng mặt lâu ngày ở địa phương và hàng nghìn người đang ở nước ngoài chưa có điều kiện xác minh, xác định họ có phải là nạn nhân hay không.
Đáng chú ý, việc mua bán người được núp bóng dưới nhiều phương thức như: Xuất khẩu lao động, đẻ thuê, cho và hiến tạng… Đặc biệt, vừa qua, đã phát hiện 1 trường hợp mua bán trẻ em liên quan đến lĩnh vực nuôi con nuôi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 98%, sang Trung Quốc chiếm trên 90%. Trong đó, một số trường hợp nạn nhân là nam giới bị lừa qua Trung Quốc để bán thận. Cụ thể, theo báo cáo của tỉnh Cần Thơ, có 8 trường hợp là nam giới bị lừa qua Trung Quốc bán thận.
Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia. Tuy nhiên, khác với trước đây, khâu tiếp cận, làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh.
Nhiều chính sách không phù hợp thực tiễn
Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn và xử lý tội phạm mua bán người hiện gặp rất nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha, nạn nhân chủ yếu được đưa ra nước ngoài nên đa số vụ án phải thực hiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007 để thu thập thông tin, xác minh, điều tra mới được coi là chứng cứ. Tuy nhiên, do Luật Tương trợ tư pháp 2007 không quy định thời hạn cụ thể nên việc tương trợ tư pháp, trả lời ủy thác điều tra của cơ quan chức năng nước bạn thường bị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn điều tra vụ án. Đặc biệt, do tâm lý e ngại của chính nạn nhân nên việc xác định nạn nhân trong tội phạm này cũng rất khó khăn. Nhiều trường hợp, nạn nhân, người nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người không hợp tác với các cơ quan chức năng.
Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, Luật Phòng chống mua bán người có hiệu lực đã hơn 6 năm nhưng đến nay các bộ, ngành chức năng chưa tham mưu Chính phủ ban hành nghị định trên cơ sở đó ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Việc này có trách nhiệm của Bộ Công an khi tham mưu cho Thủ tướng phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành luật không đề cập việc giao cho bộ, ngành nào chủ trì xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn. Mặt khác, Bộ Công an cũng chưa ban hành được thông tư quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và thân thích của họ.
Bên cạnh đó, một số chính sách liên quan đến vấn đề này đã không còn phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như chính sách hỗ trợ nạn nhân các vụ mua bán người trở về. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa chỉ rõ, theo quy định của pháp luật, khi nạn nhân được giải cứu trở về sẽ được hỗ trợ ban đầu, tư vấn về tâm sinh lý, sức khỏe, trợ giúp pháp lý, học nghề... Tuy vậy, nhiều địa phương chưa quan tâm đến nội dung này.
Mức hỗ trợ cho nạn nhân đã rất lạc hậu nhưng chưa được xem xét để sửa đổi, bổ sung phù hợp. Mỗi nạn nhân được hỗ trợ 30 nghìn đồng tiền ăn/ngày, “mức chi phí này chỉ đủ sức để cầm hơi, không phù hợp với nạn nhân vừa trở về, bị suy kiệt, thậm chí chỉ có một bộ quần áo trên người”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói. Đặc biệt, mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân hiện nay cũng rất thấp, chỉ 1 triệu đồng/người, chưa bảo đảm cuộc sống khi nạn nhân trở về địa phương, hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó, thủ tục để nhận được số tiền này rất nhiêu khê, phức tạp, nhiều nạn nhân sẵn sàng không nhận. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm đề xuất Chính phủ sửa đổi những chính sách này để việc hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người thiết thực hơn.
Tạo sinh kế ổn định cho người dân
Phân tích về số nạn nhân của tội phạm mua bán người, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) chỉ rõ, người không có việc làm, gia đình khó khăn, mù chữ, thanh niên ăn chơi đua đòi chiếm tỷ lệ cao. Số liệu này cho thấy, giải pháp tận gốc là cải thiện thu nhập, tạo việc làm cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Để thực hiện mục tiêu đề ra cần lồng ghép chính sách, không nên để quá nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo như hiện nay, dễ gây phân tán nguồn lực. Bởi, nguồn lực không đủ mạnh cho công tác xóa đói giảm nghèo khó có thể thực hiện thành công, giúp giảm tình trạng mua bán người tại đây.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng mua bán người là do đói nghèo, thiếu việc làm trầm trọng và trình độ dân trí thấp. Bên cạnh đó, một số nạn nhân bị lừa đảo do thiếu kiến thức, kỹ năng và hiểu biết, kể cả một số phụ nữ trẻ ở khu vực miền Tây Nam Bộ lấy chồng người nước ngoài.
Từ thực tế này, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới cần chú ý công tác tuyên truyền, vì nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Đặc biệt, cần quan tâm tập trung giảm nghèo bền vững, xóa mù chữ, chống tái mù; hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Nhiều ý kiến đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư các chương trình kinh tế - xã hội nhằm không ngừng nâng cao và cải thiện thu nhập, mức sống, nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các địa phương cần bố trí ngân sách phù hợp dành riêng cho công tác phòng, chống mua bán người; đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương; tăng cường giám sát về việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.