Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải cung cấp thông tin về số dư tiền gửi được bảo hiểm cho Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Quy định này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam.
Tại Khoản 6, Điều 12 Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quy định: “Tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức BHTG theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức BHTG”.
Bên cạnh đó, tại Khoản 5, Điều 13 Luật BHTG cũng quy định: “Tổ chức BHTG được quyền yêu cầu tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm”.
Thực hiện quy định pháp luật, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã ban hành Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018), quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục các tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về số dư tiền gửi được bảo hiểm cho BHTGVN, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động BHTG tại Việt Nam.
Bảo đảm tính bảo mật trong thu thập thông tin
Theo Quy chế, tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp, gửi trực tiếp các thông tin chi tiết về tiền gửi được bảo hiểm cho BHTGVN thông qua một số mẫu được yêu cầu. Đây là các thông tin về số dư tiền gửi được bảo hiểm của từng người gửi tiền, từng loại tiền gửi được bảo hiểm định kỳ tháng, quý. Để bảo mật thông tin khách hàng gửi tiền, BHTGVN không thu thập các thông tin liên quan đến cá nhân của người gửi tiền (số chứng minh thư, tên, ngày sinh…) mà chỉ thu thập thông tin trên căn cứ mã số CIF (mã khách hàng).
Ngoài thông tin về số dư tiền gửi được bảo hiểm cung cấp định kỳ cho BHTGVN, theo Quy chế, tổ chức tham gia BHTG còn có trách nhiệm duy trì thông tin bảo đảm sẵn sàng cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho BHTGVN thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi định kỳ và đột xuất theo quy định tại Luật BHTG. Thông tin được cung cấp bao gồm các thông tin cá nhân của người gửi tiền, do vậy BHTGVN sẽ đến kiểm tra trực tiếp và không mang dữ liệu ra khỏi tổ chức tham gia BHTG.
BHTGVN cho rằng đây là nội dung mới và quan trọng vì việc yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG duy trì hệ thống mẫu biểu thông tin báo cáo tại tổ chức tham gia BHTG cũng như thường xuyên kiểm tra những thông tin này sẽ giúp BHTGVN xác minh dữ liệu liên quan đến tiền gửi được bảo hiểm, chủ động, đảm bảo tính sẵn sàng trước khi phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG.
Quy định chặt chẽ trách nhiệm của các bên liên quan
Quy chế cũng quy định tổ chức tham gia BHTG phải chấp hành đúng các quy định về thông tin báo cáo tiền gửi được bảo hiểm tại Quy chế này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của thông tin báo cáo mà đơn vị cung cấp cho BHTGVN.
Ngược lại, BHTGVN có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tham gia BHTG xây dựng hệ thống mẫu biểu báo cáo theo định dạng chung, thống nhất, hướng dẫn các tổ chức tham gia BHTG báo cáo điện tử về kho dữ liệu của BHTGVN, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tham gia BHTG gửi đầy đủ, chính xác, đúng hạn thông tin báo cáo; tiếp nhận, tra soát, quản lý và sử dụng các thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm đúng mục đích và đảm bảo bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và quy định của BHTGVN. Khi phát hiện thông tin báo cáo có sai sót, yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG chỉnh sửa theo quy định.
Có thể nói, Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động BHTG ở Việt Nam, là cơ sở để BHTGVN thực hiện được nhiệm vụ được giao và là tiền đề để thực hiện các nghiệp vụ tương lai như mô phỏng về chi trả, đề xuất chính sách hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí BHTG…, nâng cao khả năng ứng biến của BHTGVN khi xảy ra các sự kiện chi trả lớn, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy sự phát triển an toàn, hiệu quả của các tổ chức tham gia BHTG.