Chuyển động mới trên bán đảo Triều Tiên: Mở cửa Văn phòng liên lạc chung

Khánh Duy 15/09/2018 07:24

Hàn Quốc và Triều Tiên trong hôm 14/9 đã mở cửa một văn phòng liên lạc ở phía Bắc khu phi quân sự (DMZ) chia cắt giữa hai miền, thiết lập một kênh liên lạc vĩnh viễn như một phần trong các nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng thù địch đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua.

Chuyển động mới trên bán đảo Triều Tiên: Mở cửa Văn phòng liên lạc chung

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên gặp gỡ tại làng đình chiến Panmunjom hôm 26/5/2018. Nguồn: Getty.

Liên lạc trực tiếp giữa hai miền

Các bước đi đầy triển vọng mà Hàn Quốc và Triều Tiên đưa ra trong thời gian gần đây đã cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa hai miền, trong khi các Mỹ và các nước đồng minh vẫn đang ra sức gây áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo gây tranh cãi.

Sự kiện mở cửa văn phòng liên lạc chung tại khu công nghiệp Kaesong - nằm bên trong vùng lãnh thổ của Triều Tiên - xuất hiện chỉ vài ngày trước khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến tham gia Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm nay.

“Hai bên giờ đã có thể bước một bước tiến lớn hướng tới hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, bằng cách nhanh chóng thảo luận về các vấn đề đang nổi trội trong quan hệ liên Triều”- ông Ri Son Gwon, người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên tham gia buổi lễ khai trương văn phòng liên lạc, nói.

Hai miền Triều Tiên trước đây chỉ liên lạc với nhau bằng máy fax và các đường dây điện thoại đặc biệt, vốn thường xuyên bị cắt đứt mỗi khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng đột biến. Giờ đây, hai miền có thể “trực tiếp thảo luận về các vấn đề trong 24 giờ một ngày, và 365 ngày trong năm”- Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myong-gyon phát biểu tại buổi lễ.

Văn phòng liên lạc chung sẽ có một đội ngũ nhân viên phối hợp - 20 người đến từ phía Hàn Quốc và 20 người đến từ Triều Tiên - khu làm việc của các quan chức Hàn Quốc nằm ở tầng hai và của các quan chức Triều Tiên nằm ở tầng 4 trong tòa nhà 4 tầng. Các vị quan chức cấp Thứ trưởng của hai bên sẽ dẫn phái đoàn của họ tới văn phòng này và tham dự các cuộc họp hàng tần.

Văn phòng liên lạc chung tọa lạc ở bên trong khu công nghiệp chung Kaesong, nơi mà trong suốt hơn một thập kỷ qua các công ty của Hàn Quốc đã vận hành nhà máy sản xuất của họ, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều nhân công Triều Tiên. Khu công nghiệp này, từng có thời điểm là biểu tượng hợp tác liên Triều, đã bị đóng cửa từ tháng 2/2016 khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng vì vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng.

Hỗ trợ đàm phán Mỹ-Triều

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun trong tuần này nói rằng, họ hy vọng văn phòng liên lạc chung sẽ đóng vai trò mới trong việc kết nối các vòng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.

“Chúng tôi hy vọng rằng văn phòng liên lạc sẽ hỗ trợ trong việc thúc đẩy các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa đang diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên” - ông Baik nói.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, những người đã nhất trí về hàng loạt bước đi nhằm cải thiện quan hệ song phương trong Hội nghị thượng đỉnh tổ chức hồi tháng Tư năm nay, sẽ lại gặp gỡ tại thủ đô Bình Nhưỡng trong tuần tới, với hy vọng rằng sẽ chấm dứt thế bế tắc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.

Phía Hàn Quốc từng hy vọng sẽ mở cửa văn phòng liên lạc chung vào tháng Tám vừa qua nhưng lại bị trì hoãn do các vòng đàm phán về giải giáp hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên lâm thế bế tắc. Tuy nhiên, hồi tuần trước, lãnh đạo Kim đã gửi một bức thư tới các đặc phái viên Hàn Quốc, trong đó nói rằng ông mong muốn đạt được giải giáp hạt nhân toàn diện trên bán đảo Triều Tiên ngay trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đáp lại, Tổng thống Trump đã mô tả bức thư trên là “rất nồng hậu”, trong đó ông Kim đề xuất tổ chức thêm một Hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Mỹ.

Điều lạc quan nhất với vấn đề Triều Tiên, ngoài dấu hiệu “nồng ấm” của ông Kim còn có thái độ sẵn sàng của Tổng thống Trump. Dù đã tỏ ra khá thất vọng về tiến trình thực hiện thỏa thuận Singapore, ông Trump vẫn rất kỳ vọng rằng Washington có thể thuyết phục Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa toàn diện.

Quyết định hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Triều Tiên vài tuần trước của ông Trump là dấu hiệu cho thấy nhượng bộ của Mỹ đã chạm đến đỉnh điểm và lần này nhiệm vụ chủ động tìm kiếm thương thuyết nhằm giải thế bế tắc được chuyển về phía Triều Tiên.

Gần đây nhất, tín hiệu tích cực trở lại sau khi chính quyền Trump hoan nghênh việc Bình Nhưỡng không phô diễn vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong lễ diễu binh mừng Quốc khánh. Hôm 9/9, ông Trump viết trên Twitter rằng quyết định không trình diễn tên lửa vào dịp Quốc khánh là một động thái to lớn và tích cực của ông Kim.

Khánh Duy