Chính quyền tinh gọn, đô thị thông minh
Hà Nội đang lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội để thành phố hoàn thiện trình Bộ Chính trị vào tháng 12 tới. Với 2 phương án: Xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận huyện) và một cấp hành chính (xã, phường); cân nhắc tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).
Đường Thanh Niên (Hà Nội).
Hà Nội đang lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội để TP hoàn thiện trình Bộ Chính trị vào tháng 12 tới. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ tạo ra giải pháp đột phá cho những vướng mắc tồn tại lâu nay tại các đô thị giúp chúng ta bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, kế thừa những kinh nghiệm xây dựng Đề án của TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Đề án đã tiếp thu có chọn lọc mô hình chính quyền đô thị của các quốc gia trên thế giới thông qua việc khảo sát tại một số quốc gia…
Mục tiêu là xây dựng chính quyền đô thị TP Hà Nội (đô thị đặc biệt) theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển và quản lý mới, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của thành phố và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, phục vụ tốt các nhu cầu chính đáng của nhân dân, đảm bảo thực sự Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo đó, sau khi được Bộ Chính trị cho phép thực hiện thí điểm, thành phố đã xây dựng đề án với hai phương án tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội, trong đó phương án 1 là Hà Nội xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận huyện) và một cấp hành chính (xã, phường). Hà Nội tổ chức chính quyền thành phố và chính quyền quận/huyện/thị xã về cơ bản cũng giữ nguyên như hiện nay gồm có HĐND và UBND. Về tổ chức chính quyền cấp xã/phường/thị trấn thì không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Phương án 2, Hà Nội cân nhắc tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).
Một góc đô thị mới Hà Nội.
Ngay khi hai phương án tổ chức chính quyền đô thị được công bố đã nhận được nhiều đóng góp từ các chuyên gia đầu ngành. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, Hà Nội cần một công cụ mới, thực sự có tính đột phá để thực hiện quyền, trách nhiệm và cả sứ mệnh Thủ đô. Nếu Hà Nội thực hiện bước đi mạnh mẽ trong chính quyền đô thị thì nên tổ chức theo mô hình một cấp chính quyền hoàn chỉnh ở thành phố và 2 cấp hành chính.
Cụ thể, Hà Nội không nên tổ chức HĐND cấp quận và phường, nhưng vẫn tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã. Bởi nếu chính quyền địa phương mà suốt ngày phải đi báo cáo, xin ý kiến cấp bộ, thì còn lâu mới giải quyết được các vấn đề. Vì vậy, Hà Nội giảm bớt các tầng nấc trung gian, trong đó có Hội đồng nhân dân cấp quận, phường.
PGS.TS Lê Minh Thông- Trợ lý Chủ tịch Quốc hội lại nhấn việc xây dựng chính quyền đô thị không chỉ là mô hình tổ chức mà quan trọng là thẩm quyền và cách thức hoạt động. Chúng ta phải tạo ra một “cú hích” tập trung vào hai vấn đề then chốt là tự chủ và tự quản...có như vậy mới quyết “việc dân” một cách nhanh nhất, sớm nhất.
“Thành phố cũng đã lường trước được việc xây dựng đề án chính quyền đô thị là vô cùng khó”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói và cho biết, mấu chốt của đề án là xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả và tăng cường phân cấp để đáp ứng được nhu cầu tốt hơn của người dân tốt hơn. Đề án cũng hướng tới việc làm thế nào để tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố. Quá nhiều vấn đề như lụt lội, ô nhiễm môi trường, cấp nước… như hiện nay thì chính quyền đô thị phải có những quyết định nhanh gọn. Không nên để một vấn đề tồn tại nhiều năm mới giải quyết xong.
Cần những bộ óc thông minh
Theo ông Trần Kim Chung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương, ở nước ta, trong 3 năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm đến nay, định hướng phát triển thành phố thông minh đã được triển khai khá mạnh mẽ với nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực này, cả về thể chế, phương thức thực hiện và sự tham gia của các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp.
Ông Trần Kim Chung.
Đến nay, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố nghiên cứu và phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh, tiêu biểu như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.... Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, thể hiện sự chú trọng phát triển thành phố thông minh bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại.
Thực hiện chủ trương này, hiện tại, có một số toà nhà được công bố là toà nhà thông minh. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tuân thủ đúng tiêu chí, việc thiết kế một toà nhà thông minh cực kỳ khó: cần thiết kế trên nền công nghệ gắn với GPS, internet thì mới thông minh được; và phải có tính thân thiện, hữu dụng. Đồng thời, phải được duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công nghệ khi vận hành, tái đầu tư, tái vận hành, và phải kết nối được internet. Do đó, đòi hỏi nguồn chi phí, vận hành rất lớn.
“Theo tôi, vấn đề nhân sự phải được đặt lên hàng đầu với một đô thị thông minh. Chẳng hạn, trong toà nhà thông minh, con người thông minh phải là hạt nhân. Một toà nhà tuyên bố là thông minh mà trong đó con người không biết sử dụng thiết bị thông minh thì cũng sẽ không hiệu quả. Đó chỉ là căn hộ được trang bị công nghệ mà thôi. Còn muốn phát triển đô thị thông minh, cần phải có mô hình thông minh và phải đảm bảo xây dựng chính quyền đô thị nhất thể hoá, quản lý từ trên xuống dưới. Đồng thời, phải có quy hoạch đủ tốt, có chương trình hành động cụ thể và phải có một hệ thống cơ chế chính sách huy động đủ lượng vốn để thực hiện nó. Tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được khi có những bộ óc thông minh
Đồng thời, muốn xây dựng thành phố thông minh, trước hết phải có sự đồng thuận của 3 nhân tố: Nhà nước - thị trường - xã hội. Trong đó, Nhà nước là người kiến tạo, cầm lái, thị trường là động lực vận hành, xã hội là những người giám sát thực hiện. Nói khác là phải có chính quyền mạnh, doanh nghiệp tốt, xã hội thông minh đồng thuận”- ông Chung nói.
“Cách mạng nhân sự” khi áp dụng chính quyền đô thị
Với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, hiện hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội ở đô thị rất đặc biệt, có tính liên kết với nhau chặt chẽ chứ không chia cắt theo mỗi đơn vị hành chính. Chính quyền đô thị có tính thống nhất cao trong chỉ đạo, chỉ huy công việc, chứ không phải mỗi quận, phường có chính sách riêng. Hơn nữa, ở chính quyền đô thị cũng cho thấy sự nhanh nhẹn, quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Với những đặc thù đó, đòi hỏi chúng ta phải tổ chức bộ máy chính quyền đô thị theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, cơ động, linh hoạt.
Ông Thang Văn Phúc.
Làm được như vậy, tính hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị mới đảm bảo. Còn như hiện nay, ngay cả một vụ tai nạn ngoài đường, tại khu vực giáp ranh giữa hai phường, hai quận không đơn vị nào đứng ra lo cả. Chuyện rất nhỏ đó, nhưng nó thể hiện sự chồng chéo giữa các cấp chính quyền.
Với phương án Hà Nội định hướng chọn tổ chức chính quyền đô thị gần như giữ nguyên như hiện nay, chỉ bỏ HĐND cấp phường liệu điều này có tạo động lực cho sự phát triển của Thủ đô hay không? Theo tôi, đó thực sự chỉ là cuộc cải cách ngập ngừng, nửa vời. Đã làm cách mạng thì phải có thay đổi, có xáo trộn. Chính vì lo xáo trộn mới dẫn đến kiểu làm ngập ngừng. Nhưng theo tôi cuộc cách mạng này nên quyết định sớm việc giảm cấp trung gian, bảo đảm tính liên thông, thống nhất trong bộ máy.
Thực tế, từ đầu những năm 2000, trong chương trình cải cái hành chính tổng thể của Chính phủ đã tính đến áp dụng mô hình chính quyền đô thị thế nào để quản lý đô thị tốt hơn rồi. Chúng ta đã có bài học hết rồi, bây giờ có dám thực hiện hay không mà thôi. Nếu làm nửa vời, nhẹ nhàng như phương án một (chỉ bỏ HĐND cấp phường) thì khó thực hiện những mục tiêu đề ra đó là chính quyền phục vụ. Theo đó, tổ chức mô hình chính quyền đô thị thế nào, thực hiện ra sao thì TP Hà Nội sẽ đề xuất với Trung ương và cũng phải chịu trách nhiệm với nhân dân, với sự phát triển của thành phố trong tương lai.
“Tuy nhiên, mệnh lệnh phát triển và sự hội nhập cần phải thay đổi lớn. Còn nếu cứ làm làng nhàng thì không có cải cách. Theo quan điểm của tôi nếu anh không chịu hi sinh một phần, không chịu đau ở chỗ nào đó thì không thể thay đổi được. Còn mọi việc cứ vui vẻ với nhau thì rất khó làm, khó đạt được kết quả như mong đợi”- theo ông Phúc.