Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ: Mỗi nơi một kiểu
Đây là nhận định của các đại biểu tại hội thảo “Hoàn thiện đề cương tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam” do Bộ LĐTB&XH; phối hợp với Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức ngày 18/9 tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo.
Rối loạn tự kỷ ngày càng phổ biến và gia tăng ở Việt Nam, hiện nay dù chưa có những nghiên cứu chính thức nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐTB&XH, cả nước có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Và con số này không ngừng tăng lên tuy nhiên việc điều trị cũng như nhìn nhận về căn bệnh này đang gặp không ít thách thức.
Theo kết quả khảo sát nhu cầu sử dụng tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam tại 13 tỉnh/thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP HCM…cho thấy, hiện có tới 49 tài liệu liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ đang được biết đến và sử dụng nhiều. Tuy nhiên, chỉ có 15,9% phụ huynh được hỏi là có biết nhiều và tiếp cận các tài liệu về rối loạn phổ tự kỷ. Các tài liệu được sử dụng hằng ngày chủ yếu là qua báo mạng, trang web, video trên mạng (chiếm tới 30,6%) và các tài liệu phát tay, photo (chiếm 16,2%). Trong khi đó, sách có hội đồng khoa học đánh giá thông qua rất ít khi được sử dụng.
“Với số người bị mắc tự kỷ ước tính khoảng 200 ngàn người mắc chứng tự kỷ, hiện có rất nhiều trường, tổ chức, cá nhân mở các trung tâm cả trường công và tư nhân liên quan đến lĩnh vực này. Song việc dạy các con ở trường tự kỷ, mỗi người lại có phương pháp riêng, thời gian học, giáo viên dạy ra sao, chăm sóc, phát triển thể lực, trí tuệ cho các con thế nào lại rất khác nhau. Vì không có chương trình khung, giáo trình chuẩn nên việc chữa trị cho người bị tự kỷ không hiệu quả và gặp rất nhiều khó khăn”- Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Xuất phát từ yêu cầu trên, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Bộ LĐTB&XH và PNJ đồng hành khởi xướng Dự án“Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” trong 5 năm (2018 - 2022) nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao nhận thức về trẻ em tự kỷ, đồng thời tuyên truyền vận động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Từ đó tạo cơ sở đề xuất chính sách cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Trên cơ sở đó cũng có những kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến nhóm trẻ tự kỷ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, dự thảo đề cương tài liệu phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại cộng đồng, bộ tài liệu gồm 2 phiên bản dành cho cán bộ can thiệp và phiên bản dành cho phụ huynh trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Trong đó nội dung bộ tài liệu có các phần như: Hiểu đúng về tự kỷ, dấu hiệu nhận biết, đánh giá chẩn đoán; tư vấn và hỗ trợ gia đình có trẻ tự kỷ; phần nội dung chương trình giám sát và can thiệp cho trẻ; quản lý hành vi trẻ tự kỷ; phát triển giao tiếp xã hội và kỹ năng xã hội…
Trước đó tại tọa đàm về “ Vấn đề trẻ em tự kỷ ở Việt Nam” do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, các đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng bộ tài liệu chuẩn về điều trị cũng như giảng dạy trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ là rất cần thiết. Việc có một giáo trình chuẩn không chỉ định hướng việc chữa trị đi đúng hướng mà còn là công cụ để gia đình tiến hành chữa trị và giảng dạy tại cộng đồng, từ đó tăng cơ hội được điều trị cho trẻ nhiều hơn.
* Việc triển khai Dự án“Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” tập trung vào 5 nội dung chính là: Phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ; đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt, giảng viên nguồn về tuyên truyền, hỗ trợ trẻ tự kỷ; phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc trẻ; hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về trẻ tự kỷ. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức, có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.