Nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề

Gianh Lam 19/09/2018 08:30

Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Cần Thơ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018, các địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện hình thức, nâng cao chất lượng các lớp dạy nghề, thu hút đông đảo học viên tham gia, quận Bình Thuỷ là ví dụ điển hình…

Nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề

Trao chứng chỉ nghề cho các học viên hoàn thành khóa học.

Chú trọng chất lượng dạy và học

Từ đầu năm đến nay, thành phố Cần Thơ đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với sự tham gia của hàng ngàn học viên, với gần 40 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tại quận Bình Thủy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận đã phối hợp chặt chẽ với địa phương thông báo tuyển sinh đúng quy trình, thời gian.

Tính đến ngày 10/9/2018, Trung tâm đã tổ chức khai giảng được 11/11 lớp với 385 học viên theo học, đạt 128.33% chỉ tiêu nghị quyết năm 2018 (NQ năm 2018 đào tạo nghề cho 300 lao động). Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ quản lý chặt chẽ 02 lớp Trung cấp Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí; Kế toán doanh nghiệp (hệ vừa học văn hóa, vừa học trung cấp nghề).

Ông Phạm Chí Thừng - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Bình Thủy cho biết, đa số các học viên tham gia các khóa học đều có ý thức học nghề tốt, chủ động tìm tòi kiến thức, kỹ năng của nghề nên trong quá trình học tập rất nhiệt tình chăm chỉ, các học viên tự khắc phục được khó khăn của gia đình để hoàn thành tốt khoá học. Ngoài ra, các học viên cũng đã nhận thức việc học nghề sẽ giúp nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống.

Về phía Trung tâm, ông Thừng cho biết, thời gian qua chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các xã phường, thị trấn thực hiện đúng các quy định về kế hoạch đào tạo, biên soạn giáo trình, chương trình, thời gian giảng dạy, các chính sách miễn giảm cho học viên được chúng tôi thực hiện đúng quy định. Cụ thể học viên được hỗ trợ hoàn toàn học phí, giáo trình và tiền hỗ trợ theo chế độ quy định của đề án. Đội ngũ giáo viên dạy nghề có kiến thức chuyên ngành, có tay nghề tốt, có năng lực sư phạm, lập kế hoạch giảng dạy, giáo án từng môn học, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện dạy học, có tác phong làm việc và đạo đức nghề nghiệp tốt.

“Mặc dù thời gian đào tạo các lớp nghề còn tương đối ngắn hạn nhưng, chúng tôi tin rằng tất cả các học viên sau khi tốt nghiệp đều được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản để áp dụng vào thực tiễn nhằm tăng hiệu quả công việc, góp phần cải thiện thu nhập kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hiệu quả cao”- ông Thừng cho biết.

Nâng cao hiệu quả đề án

Theo thông tin từ Phòng Lao động tThương binh và Xã hội quận Bình Thuỷ, thời gian tới, nhằm triển khai các lớp đào tạo chất lượng tốt hơn, hiệu quả hơn, địa phương tiếp tục tăng cường, đa dạng hóa hơn nữa công tác tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Chú trọng công tác tư vấn học nghề, chọn nghề, định hướng phát triển nghề, vay vốn giải quyết việc làm sau học nghề để lao động nông thôn nhận thức được việc học nghề góp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cũng như nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương, phát huy tốt hiệu quả của đề án trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu- Phó trưởng Phòng LĐTBXH quận Bình Thủy cho biết: Các học viên sau khi hoàn thành khoá học, chúng tôi đều quan tâm tới công tác giải quyết việc làm, đồng thời nhắn nhủ các học viên tích cực ứng dụng những kiến thức được học vào thực tế, luôn nâng cao tay nghề trong quá trình làm việc để trở thành người thợ lành nghề, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình.

Chia sẻ thêm về kế hoạch thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn quận, bà Thu nói: Từ việc nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn trong địa bàn quận có trách nhiệm liên hệ, phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động thực hiện tốt công tác giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời phân công cán bộ nắm việc giải quyết việc làm của học viên sau khi học nghề cũng như những gương điển hình làm ăn có hiệu quả.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phòng Lao động và địa phương làm tốt công tác tổ chức, quản lý lớp học; công tác tư vấn học nghề gắn với thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo, quan tâm giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.

Về hướng tới bà Thu cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề ở địa phương chúng tôi sẽ tiếp tục phổ biến đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố và kế hoạch đào tạo nghề của quận Bình Thủy, tuyên truyền mục đích ý nghĩa của việc học nghề đến người dân trên địa bàn được biết và đăng ký tham gia học nghề.

Gianh Lam