Phải kiên quyết xử lý sai phạm về môi trường ở nông thôn
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh, đối với công tác quản lý bảo vệ môi trường ở nông thôn về xử lý rác thải, chất thải, tỉnh Cà Mau đã làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra nhưng nếu không kiên quyết xử lý sẽ không mang lại hiệu quả. Vì vậy, theo Phó Chủ tịch, Cà Mau cũng như các địa phương khác “phải thật sự kiên quyết xử lý sai phạm”.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Chiều 19/9, đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin, “nhờ làm tốt công tác triển khai, thực hiện một cách sâu rộng, nên nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đối với công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được nâng lên”.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, một số loài khoáng sản trên địa bàn nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, cấm khai thác như: than bùn, cát san lấp, sét gạch ngói…Vì vậy, Cà Mau không tổ chức quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và chưa cấp phép khai thác khoáng sản cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào (chỉ có 1 trường hợp đăng ký khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường để san lấp bờ kè tại chổ theo quy định, nhằm chống sạt lở đất bờ biển).
Việc thẩm định cấp phép thủ tục môi trường luôn được Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo theo yêu cầu chung về công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Qua đó, hầu hết thủ tục môi trường tại địa phương đã được rút ngắn thời gian giải quyết.
Theo lãnh đạo tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 1 khu kinh tế, 2 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp với các loại hình sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, gồm: Chế biến thủy sản, sản xuất bột cá, nhiệt điện, phân bón hóa học, sản xuất bao bì…vấn đề ô nhiễm khí thải công nghiệp (mùi hôi) phát sinh chủ yếu từ loại hình chế biến chitin từ đầu, vỏ tôm ở khu công nghiệp Hòa Trung, chế biến bột cá ở cụm công nghiệp Sông Đốc và vùng phụ cận…
Quang cảnh buổi làm việc.
Hiện địa phương có 58 cơ sở sản xuất, chế biến đang hoạt động thuộc quy mô đánh giá tác động môi trường, có phát sinh nước thải công nghiệp. Trong đó, có 56/58 cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của cơ sở khác (chiếm 97%), 2 cơ sở là Nhà máy chế biển thủy sản Biển Tây và Công ty Cổ phần Thủy sản Phú Cường JOSTOCO chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải (chiếm 3%).
Lĩnh vực xử lý chất thải trong nông nghiệp, y tế cũng luôn được địa phương chú trọng truyên truyền nhằm giúp nông dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, hạn chế chất thải ra sông rạch (đối với nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh). Tỉnh đã ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Hiện tỉnh có 13/15 bệnh viện, Trung tâm Y tế đã xây dựng được hệ thống xử lý chất thải, 6/15 bệnh viện lắp đặt thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm. Tính đến tháng 4/2018, tỉnh Cà Mau đã có 46/82 xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (chiếm 56%).
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, hằng năm, tỉnh có kế hoạch ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, triển khai thực hiện các dự án nâng cấp đê biển, trồng rừng phòng hộ, xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão, các khu tái định cư, xây dựng kè chống sạt lở…
Bên cạnh những tích cực mà tỉnh Cà Mau đạt được, thì địa phương còn vấp phải một số khó khăn nhất định. Trong đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa cao; cất nhà lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, làm mất an toàn tuyến đê biển (327 trường hợp).
Ông Lê Văn Sử cho biết thêm: “Mặc dù, địa phương đã tranh thủ các nguồn vốn để xử lý sạt lở đất ven biển, đã khắc phục được nhiều vị trí sạt lở xung yếu với tổng chiều dài trên 23.667 m với tổng vốn đầu tư hơn 652 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tình hình sạt lở đất ven biển, ven sông đang diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân”.
Tại buổi làm việc, một số đơn vị của tỉnh Cà Mau cũng trình bày những thuận lợi, khó khăn nhất định của địa phương về công tác thực hiện chính sách, pháp luật trong khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, lãnh đạo địa phương đã có một số đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để kịp thời giúp tỉnh tháo gỡ được những khó khăn xung quanh công tác này trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đi khảo sát thực tế tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đánh giá cao những kết quả mà Cà Mau đạt được trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: Tỉnh đã cụ thể hóa các Nghị quyết về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung ương và tổ chức, triển khai các quy định của pháp luật một cách chặt chẽ. Đặc biệt, Cà Mau đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong nhân dân. Đó là nền tảng cơ bản để địa phương thực hiện tốt các vấn đề mà Trung ương giao.
“Tôi xin chia sẻ sâu sắc với những khó khăn của Cà Mau đang gặp phải, với những gì mà đia phương kiến nghị. Sau cuộc họp này, khi về lại Trung ương, chúng tôi sẽ báo cáo lại với Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan để bàn bạc, sớm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho địa phương” - Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nói.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh, đối với công tác quản lý bảo vệ môi trường ở nông thôn về xử lý rác thải, chất thải, tỉnh đã làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra nhưng nếu không kiên quyết xử lý sẽ không mang lại hiệu quả.
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch, Cà Mau cũng như các địa phương khác “phải thật sự kiên quyết xử lý sai phạm. Đối với các mô hình của MTTQ đang làm tốt, phải tiếp tục nhân rộng. Bên cạnh đó, địa phương cần tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức đoàn thể phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý tốt công tác này”.