Tinh giản biên chế chưa chú trọng chất lượng
Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo tổng hợp của Chính phủ, Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân có liên quan đến thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của UBTV Quốc hội về chất vấn tại phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 19/9. Nguồn: Quochoi.vn.
Cần giải pháp chống tội phạm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm
Đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc- Tổng Thư ký Quốc hội, về cơ bản nhiều nội dung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Cơ chế một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả. Nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đang được triển khai. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm.
Qua thẩm tra Báo cáo việc thực hiện của Chính phủ, ông Phúc nói: “Nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ hoặc không đánh giá việc thực hiện các nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội như: quá trình triển khai một số dự án luật do Chính phủ chuẩn bị; việc không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước; kết quả bước đầu của việc triển khai Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý; công tác thanh kiểm tra trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm cán bộ”.
Theo bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiện đang có tình trạng tội phạm xảy ra ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm, hay tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng. Do đó Chính phủ cần có giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Như vừa qua xảy ra một số vụ việc đối với các cán bộ trong ngành công an, hay đơn cử như vừa bắt, khởi tố đối với nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên.
Bà Nguyễn Thanh Hải- Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho rằng, việc rà soát thực hiện lời hứa của các bộ trưởng có ý nghĩa rất quan trọng, khắc phục được những lo ngại mà cử tri quan tâm về tình trạng hậu giám sát. Qua đó xem xét được trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như là căn cứ để ĐBQH thay mặt cử tri lấy phiếu để đánh giá công việc của các bộ trưởng tại kỳ họp tới.
Theo đánh giá của bà Hải, thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản được cử tri đánh giá là rất tốt, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên bà Hải cho rằng, vấn đề mà cử tri quan tâm là cần chú ý đến đạo đức công vụ khi cán bộ tiếp xúc với dân trong giải quyết công việc.
Chính sự nhũng nhiễu, gây khó khăn sẽ nảy sinh ra tham nhũng vặt. “Người dân rất quan tâm đến tham nhũng vặt vì đó là vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Chính phủ rất quyết tâm tới các vụ án tham nhũng lớn, nhưng nếu không quan tâm tới chống tham nhũng vặt sẽ khiến người dân cảm thấy tham nhũng chưa bị ngăn chặn mà còn phổ biến. Do đó cần quan tâm đến vấn đề tham nhũng vặt”-bà Hải lưu ý Chính phủ cần quan tâm để có giải pháp khắc phục.
Dạy thêm, học thêm tràn lan vẫn chưa được khắc phục
Liên quan đến vấn đề giáo dục, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, kết quả kỳ thi THPT quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Việc phân luồng học sinh phổ thông, nhất là phân luồng sau trung học cơ sở chuyển biến chậm. Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định.
Đáng chú ý, ông Phúc nhìn nhận, tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục, công tác sửa đổi, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Dự thảo Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2035 không được công khai để lấy ý kiến của người dân. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 29/TW.
Băn khoăn về vấn đề sách giáo khoa, cũng như sự lãng phí trong in ấn sách giáo khoa khi có tình trạng ghi bài tập vào sách giáo khoa (SGK) cho nên năm sau học sinh không dùng sách được nữa, theo bà Lê Thị Nga, Chính phủ cần kiểm tra, làm rõ những nghi ngại xung quanh vấn đề độc quyền trong SGK khi mỗi năm xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng cho việc mua sách sau đó năm sau lại không dùng được.
Cùng chung quan điểm, đặt vấn đề: “Có lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không”? Vì mục đích sách sử dụng 1 lần hay nhiều lần là do người in sách, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, ở Mỹ vẫn dùng lại SGK, bên cạnh đó việc dùng lại sách ngoài mục đích tiết kiệm còn có ý nghĩa giữ gìn sách. Hiện nay nhiều trường phải cho học sinh viết bút chì sau tẩy đi để sang năm còn dùng được. Cho nên Chính phủ cần có đánh giá có việc lợi ích nhóm trong phát hành SGK hay không?
Thông tin tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ luôn coi trọng việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Ngay đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về kinh tế - xã hội trong đó đã đưa ra 9 nhóm giải pháp lớn để cụ thể hóa thực hiện nghị quyết của Quốc hội.
Đến nay có thể khẳng định 12/12 chỉ tiêu đều đạt, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch Quốc hội giao, và 4 chỉ tiêu hoàn thành. GDP năm nay khả năng đạt 6,7%; nợ công và nợ Chính phủ giảm, nợ xấu giảm dưới 3%. Trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành 141/152 văn bản để triển khai thực hiện, và phấn đấu từ nay đến lúc họp Quốc hội vào tháng 10 sẽ hoàn thành hết, không để nợ đọng.
Riêng các chất vấn của ĐBQH, thì các bộ đều trả lời và được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, những vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính sẽ được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm thực hiện đúng, nghiêm nghị quyết của Quốc hội nêu.
* Cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, nhiều đại biểu cho rằng, việc dùng 1 luật sửa đổi, bổ sung 37 luật hiện hành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là khó khăn, thách thức rất lớn. Do đó cần rà soát, đối chiếu để bảo đảm tính thống nhất trong mỗi đạo luật, tính thống nhất giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai trong thực tiễn.