Thời tiết giao mùa - thận trọng bệnh truyền nhiễm

X. Thủy 20/09/2018 08:00

Hiện miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện để nhiều bệnh truyền nhiễm có cơ hội bùng phát.

Thống kê từ đầu năm 2018 cho thấy, cả nước đã có khoảng 46.000 người mắc sốt xuất huyết, 9 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Nai, Bình Định, Trà Vinh và TP Hồ Chí Minh,…

Theo Cục Y tế dự phòng, riêng trong những ngày cuối tháng 8/2018, cả nước đã có hơn 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 14% so với tuần trước đó.

Đồng thời, cả nước đã có hơn 2.100 người phải nhập viện, trong đó có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng. Thông thường, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Bắc thường diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, vì thế, hiện đang có nguy cơ bùng phát bệnh rất cao, nhất là khi hiện đang mưa kéo dài gây ẩm thấp.

Bên cạnh sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng cũng đang gia tăng. Riêng ở Hà Nội đã có hơn 1.000 ca mắc tay chân miệng, còn tại TP Hồ Chí Minh, cũng có khoảng gần 1.000 trẻ mắc bệnh này. Đáng lo ngại khi việc chủ quan có thể dẫn đến biến chứng viêm não ảnh hưởng đến tính mạng trẻ, thậm chí gây tử vong.

Ngoài các bệnh dễ lây nhiễm ở trẻ trong thời tiết giao mùa như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng,… thì sốt virus cũng là một căn bệnh rất đáng lo ngại khi rất nhiều người mắc phải không chỉ ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng rất dễ nhiễm bệnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi trùng, sốt dịch… Đây là căn bệnh thường xảy ra rải rác quanh năm, do nhiều loại virus đường hô hấp, tiêu hoá... gây nên.

Theo PGS Dũng, khi phát hiện mắc sốt virus nếu được nghỉ ngơi, vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng… hợp lý thì bệnh có thể khỏi mà không cần đến bệnh viện. Tuy nhiên, qua quá trình thăm khám và điều trị, PGS Dũng đã gặp không ít trường hợp chỉ vì chủ quan nên bệnh càng nặng thêm, với những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân khiến bệnh của trẻ trở nặng và có nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm là do sự chủ quan của các bậc phụ huynh. “Một sai lầm mà nhiều phụ huynh cũng hay gặp phải, đó là tự mua kháng sinh điều trị sốt virus cho con. Đây là sai lầm lớn nhất và gây hậu quả nặng nề với trẻ. Bởi trẻ bị sốt virus cho uống kháng sinh sẽ không có tác dụng, mà nó chỉ làm cơ thể yếu hơn. Không chỉ có vậy, nó còn làm dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, điều này rất nguy hiểm”, PGS Dũng cảnh báo.

Không chỉ sốt virus, thực tế, rất nhiều các bậc phụ huynh có thói quen tự ý cho trẻ uống kháng sinh để điều trị các triệu chứng thông thường của trẻ như ho, sốt, ngạt mũi, sổ mũi,… Việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ đang ngày càng trở thành vấn đề đáng báo động bởi những hệ lụy không lường trước được.

Điều này đã làm gia tăng khả năng kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài, tốn kém. Nguy hiểm hơn, kháng sinh nếu không sử dụng đúng còn có thể ảnh hưởng chức năng gan, thận, các tế bào thần kinh; khiến trẻ càng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hơn và có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc…

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội, có tới 70-80% trường hợp cảm cúm, ho, hắt hơi, sổ mũi, bệnh hô hấp thông thường là do virus, các triệu chứng của bệnh hô hấp trên sẽ giảm dần và bệnh tự khỏi trong vòng 7 – 10 ngày. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên vội vàng dùng kháng sinh.

Có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, siro ho hay xịt mũi… với tác dụng làm giảm triệu chứng giúp bé dễ chịu hơn. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn. Sử dụng thường xuyên làm giảm sức đề kháng, trẻ dễ bị ốm, các bệnh đường hô hấp thường xuyên tái phát.

Trong trường hợp bệnh có dấu hiệu nặng lên, cần đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ thực hiện các biện pháp thăm khám, xét nghiệm cần thiết và chỉ định thuốc phù hợp sau khi có kết luận chính xác trẻ nhiễm vi-rút hay vi khuẩn.

X. Thủy