Cô dâu 62 tuổi lên xe hoa với chú rể 26 tuổi ở Cao Bằng
Chị Sao từng từ chối lời cầu hôn của chàng trai trẻ, nhưng hôm nay, chị vượt qua mọi đàm tiếu để về nhà chồng.
Chị Sao trong bộ váy Dao đỏ cổ truyền của nhà chồng, đứng trước nhà chờ đến giờ đón dâu. Ảnh: VNE.
Trong đám cưới sáng 20/9, chị Lê Thị Thu Sao (ngụ tại phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng) mặc trang phục truyền thống của người dân tộc Dao đỏ của chồng - anh Triệu Hoa Cương (ngụ huyện Thạch An). Bộ trang phục này đã được truyền 3 đời, từ bà, mẹ chồng và giờ đến nàng dâu là chị.
Trước đó, chị Thu Sao là góa phụ gần 8 năm. Chị sống với hai con gái, mở tiệm spa làm đẹp, cùng một quán cà phê nhỏ. Cuộc sống của chị bỗng chao đảo khi hai tháng trước, cơ quan pháp lý để lộ thông tin chị đăng ký kết hôn với người chồng kém xa tuổi, gia cảnh không mấy môn đăng hộ đối. Chị trở thành tâm điểm chú ý, khen ít nhưng vùi dập nhiều.
"Cộng đồng khi ấy xôn xao và buông lời thậm tệ, có lúc tôi tưởng không thể vượt qua được. Nhưng chồng tôi trấn an 'xã hội càng vùi dập thì mình càng phải cố gắng đứng lên, sống cho bản thân mình, có tình yêu thì có tất cả. Khi nào cảm thấy hiểu nhau thì kết hôn'", tân nương 62 tuổi kể.
Chị cũng cho biết nhà chồng rất quý và xem chị như người trong nhà, đã khiến chị vững tin khi quyết định đám cưới.
Trước đây anh Cương, làm thợ xây tự do, là khách quen của quán cà phê tại nhà của chị. Trò chuyện, họ nhanh chóng tìm được đồng cảm. Một năm trở lại đây, chị Sao hay qua nhà anh Cương cách đó 30 km để thăm hỏi. Có khi một tuần chị qua nấu cơm ăn vài ba lần. Thế nhưng chị chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành người một nhà, mà chỉ là tình chị em.
Chú rể Hoa Cương tươi cười khi đến đón dâu, sau 2 tháng đăng ký kết hôn. Ảnh: VNE.
Một ngày, anh Cương bất ngờ cầu hôn dưới cánh đồng hoa mua: "Không gấm lụa đài trang, không nhà lầu xe hơi, chỉ có nhành hoa dại thế thôi, liệu người ta có đồng ý lời cầu hôn của mình không". Nhưng lúc đó, chị Sao cảm thấy mình bị thiếu tôn trọng vì nghĩ là chị em. Chị thẳng thừng từ chối.
Cương buồn, nhưng không nản. Anh chịu khó làm lụng, quan tâm chị hơn. Dần dần, chị Sao cảm nhận được không phải Cương bông đùa nhất thời. Tháng 6 vừa qua, chị đã gật đầu đồng ý: "Cuộc sống ngắn, không thể nói trước được điều gì, sống phải vui vẻ và hạnh phúc, để xã hội này càng tươi đẹp, mọi người hiểu và cảm thông cho nhau", chị Sao chia sẻ.
Anh Cương thường xuyên thể hiện tình cảm với chị trước người khác, đôi khi còn khiến chị thẹn thùng. "Có tình cảm mới thể hiện được như thế chứ đâu phải cố tình diễn xuất. Chỉ có tình yêu mới hiểu được", anh Cương nói.
Những tấm ảnh cũ của chị Sao và người chồng quá cố vẫn đang treo trong nhà, anh Cương không muốn vợ gỡ xuống vì trân trọng quá khứ của chị.
Đôi uyên ương trong lễ đường sáng 20/9. Ảnh: VNE.
Hàng xóm ít người thiện cảm đối với đám cưới "ngược đời" này, nhưng vẫn có người ủng hộ. "Tôi thông cảm cho bà ấy. Nhiều người dân ở đây phản đối, họ cho rằng lố bịch. Nếu ai biết về hoàn cảnh thì chắc chắn cũng sẽ cảm thông cho bà Sao vì chồng mất đã lâu", bà Nguyễn Mỹ An (phường Sông Bằng, TP Cao Bằng) cho biết.
Chị Sao đang mong giây phút dâng chén trà báo hiếu và được gọi "bố mẹ" chồng, dù mẹ chồng chị mới 56 tuổi, vì bản thân đã mất bố mẹ từ lâu. Riêng về đời sống sinh hoạt vợ chồng, chị nói tuổi tác không phải là vấn đề. "Tôi cũng như những người con gái khác, một người bình thường đến tuổi lấy chồng", chị nói.