Tái cấu trúc tài chính quốc gia còn nhiều thách thức

T.Hằng 21/09/2018 08:00

Ngày 20/9, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong tái cấu trúc nền tài chính công của Việt Nam, cần nâng cao kỷ luật kỷ cương tài chính, công khai, minh bạch về tài chính- ngân sách và giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Tuấn khẳng định, tái cơ cấu tài chính công để góp phần tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững là nhiệm vụ then chốt, quan trọng đối với ngành tài chính. Trong khi đó, ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, tái cấu trúc tài chính quốc gia cần cải cách mạnh mẽ công tác quản lý đầu tư công ở tất cả các khâu. Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kinh tế xã hội lớn, thiết yếu.

Công tác tái cấu trúc nền tài chính quốc gia trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Chính sách thuế đã được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu huy động nguồn lực phục vụ các chương trình phát triển kinh tế trong bối cảnh một số nguồn thu giảm. Quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) được mở rộng, tổng thu ngân sách năm 2017 tăng, tạo điều kiện để tăng chi đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thị trường vốn, thị trường bảo hiểm cũng từng bước được cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; các doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển nhà đầu tư có tổ chức hơn, qua đó tăng cường huy động vốn, tạo nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế. Cùng với đó, việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao năng lực quản trị của các DNNN cũng được chú trọng.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, bên cạnh những thành công vẫn còn nhiều thách thức. Tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế, phí mặc dù đã chiếm khoảng 27% GDP nhưng vẫn chưa bền vững. Các khoản thu nội địa năm 2017 chiếm khoảng 82% tổng thu, song một bộ phận thu nội địa ở địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công; tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn. Ông Tuấn cho rằng cần nâng cao hiệu quả quản trị và quản lý vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả tài sản công quốc gia.

Nhiều chuyên gia đưa ra quan điểm cần cải cách chính sách tài khóa xanh thông qua thúc đẩy sản xuất, điều chỉnh tiêu dùng theo hướng tận dụng công nghệ, cũng như thiết kế chính sách tài khóa cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường.

T.Hằng