Gia Lai: Thiếu giáo viên đứng lớp, trường vẫn có 5 phó hiệu trưởng

Theo Vietnamplus 21/09/2018 11:23

Ở Gia Lai, sau khi sáp nhập một số trường học trên địa bàn tỉnh, số cán bộ quản lý, nhất là chức danh phó hiệu trưởng dôi dư đáng kể; một trường có đến 4-5 phó hiệu trưởng. Trong khi đó, năm học này, tỉnh Gia Lai lại đang thiếu hơn 2.000 giáo viên đứng lớp ở các cấp học.

Gia Lai: Thiếu giáo viên đứng lớp, trường vẫn có 5 phó hiệu trưởng

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Đầu năm học 2018-2019, tỉnh Gia Lai sáp nhập hơn 60 trường học ở các cấp học, mỗi trường trung bình có 2 phó hiệu trưởng. Sau sáp nhập, mỗi trường sẽ có 5-6 phó hiệu trưởng.

Theo quy định cũng như chỉ đạo chung từ Trung ương đến địa phương, các phó hiệu trưởng này sẽ vẫn được giữ phụ cấp chức vụ cho đến hết nhiệm kỳ đã được bổ nhiệm và không đề cập đến việc giữ lại chức danh cho những trường hợp này.

Điều này khiến các địa phương khá lúng túng trong việc điều động số cán bộ đang là phó hiệu trưởng dôi dư tại các trường mới sáp nhập xuống làm giáo viên đứng lớp hay vẫn giữ chức vụ quản lý.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Ia Sao, huyện Ia Grai được sáp nhập từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Trường Tiểu học Phan Chu Trinh trên cùng địa bàn. Số học sinh sau khi được sáp nhập là hơn 760 em/28 lớp. Hiện nay, nhà trường đang có 1 hiệu trưởng và 4 phó hiệu trưởng.

Theo ông Đặng Đình Lực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, trước đây, nhà trường có 2 phó hiệu trưởng. Sau khi sáp nhập, hiện nay, nhà trường đang dư ra 2 phó hiệu trưởng. Nhà trường cũng đã phân công các phó hiệu trưởng phụ trách quản lý các điểm trường.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, các điểm trường phụ cách điểm chính xa nhất là 10 km và có 3 lớp học. Cụ thể, nhà trường có 5 cụm trường, ngoài điểm chính, mỗi phó hiệu trưởng nhà trường được giao quản lý một điểm trường.

Được sáp nhập từ các Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, hiện nay, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Ia Grai đang có 5 phó hiệu trưởng.

Toàn trường có gần 900 học sinh/33 lớp, hơn 30 giáo viên giảng dạy ở 5 điểm trường, điểm trường xa nhất cách điểm chính 4 km.

Hiện nay, 5 phó hiệu trưởng nhà trường được phân công cụ thể gồm: 3 người phụ trách chuyên môn; 1 người phụ trách quản lý cơ sở vật chất, hồ sơ; 1 người quản lý phong trào thi đua.

Cô Nguyễn Thị Soa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết chủ trương của Huyện Ia Grai là giữ lại toàn bộ lãnh đạo 2 trường cho đến khi các phòng, ban khác có cán bộ quản lý nghỉ hưu sẽ sắp xếp các phó hiệu trưởng này về đó nhận công tác.

Trao đổi về việc dôi dư cán bộ quản lý trong ngành giáo dục trước thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng tại một số địa phương nhất là bậc tiểu học và mầm non, ông Phạm Văn Căn, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết theo quy định, khi đơn vị sáp nhập, phó hiệu trưởng có thể bị điều động xuống làm giáo viên đứng lớp.

Các trường hợp cố tình vi phạm, về phía Sở sẽ có biện pháp đưa về đúng vị trí việc làm và xem xét xử lý theo quy định.

Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cũng đồng thuận với ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường hợp phó hiệu trưởng chưa sắp xếp được vị trí việc làm phù hợp sau khi sáp nhập, Sở sẽ rà soát lại nhân sự và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

Đó là biện pháp lâu dài từ nay đến năm 2021, còn ngay tại thời điểm này vẫn sẽ để các cán bộ quản lý nhận phụ cấp chức vụ như cũ cho đến hết nhiệm kỳ, còn chức danh nhiệm vụ có thể thay đổi theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu giải quyết được thực trạng dôi dư các chức danh phó hiệu trưởng ở một số huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngành giáo dục tỉnh này sẽ tiết kiệm được hàng trăm nhân sự trong tình hình thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay.

Theo Vietnamplus