Người đàn ông câm đi lạc 14 năm mong tìm về nhà qua bức vẽ
Mỗi lần nhớ gia đình, ông chỉ biết vẽ hình cha mẹ, vợ con, ngôi nhà và chiếc xe khách... ra giấy rồi hướng mắt nhìn xa xăm.
Hình ảnh người được ông Câm cắt trên báo để muốn nói mình cũng có những người thân như thế. Ông cũng vẽ ngôi nhà, làng quê mình bằng trí nhớ. Ảnh: NVCC.
Ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh, Đồng Nai mấy năm nay, câu chuyện của người đàn ông tầm 65 tuổi bị câm, nghe cũng khó khăn, lưu lạc đến nơi này làm nhiều người cảm động. Thương ông, hơn 5 năm qua người dân trong ấp giúp đăng thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội mà đến nay vẫn bặt vô âm tín.
Năm 2004, nhìn thấy một người đàn ông mặt mũi, quần áo lấm lem, người gầy rộc nằm co ro trước cổng bến xe thị xã Long Khánh (Đồng Nai) vì đói, rét, bà Ta (hiện 72 tuổi) đến hỏi thăm ông và người sống quanh bến xe thì biết, ông bị lạc gia đình, bị lấy hết tiền, mất giấy tờ tùy thân và phải đi xin ăn.
“Nhìn ông ấy lúc đó thương và tội nghiệp lắm", bà Ta nói. Nghĩ nhà mình rẫy nhiều mà chẳng có người làm, bà về bàn với chồng đưa ông về cưu mang, tạo công ăn việc làm. Được chồng đồng ý, bà cùng các con đến đón ông về, cho trông coi rẫy cao su và cây ăn trái.
Ngoài lo cho ăn uống, chỗ ở, bà Ta còn trả tiền lương hàng tháng cho ông. Bà cho biết, ông Câm hiền lành, tốt tính, làm việc rất chăm chỉ, cẩn thận. Nhiều lần hỏi tên, tuổi, quê hương ông chẳng nhớ, cũng không biết viết, gia đình bà Ta và người trong ấp gọi là ông Câm. Cái tên đó gắn liền với ông hơn 14 năm qua, không chỉ bằng cách gọi thông thường mà cả mỗi khi đi khám bệnh hay làm các thủ tục hành chính.
Trong trí nhớ của ông, gia đình có người bố bị cụt hai chân, mẹ đã già, vợ và hai con, một trai, một gái. Căn nhà của ông có hàng dừa trước ngõ, bên cạnh là cánh đồng lúa, xa xa có dãy núi, dưới có cảnh đồng trồng ngô, sắn. Mỗi khi rảnh tay, ông lại mang giấy bút ra ngồi vẽ những hình ảnh thân thuộc ấy một cách say sưa, mắt ánh lên vì hạnh phúc. Ai hỏi vì sao đi lạc, ông lại vẽ ra một chiếc xe khách, chỉ chỉ vào đó, như muốn nói sự việc từ một lần đi xe mà ra.
Năm 2013, vợ chồng bà Ta lớn tuổi, rẫy để cho người khác làm, ông Câm phải sống cảnh nay đây mai đó. Anh Tạ Đức Thường (27 tuổi), cháu bà Ta, đón về cho ở trong căn rẫy nhà mình.
Hơn 5 năm qua, anh Thường cùng nhiều người khác đăng thông tin, hình ảnh của ông trên trang cá nhân, với hi vọng phép màu xảy ra. "Mỗi lần xem phim thấy cảnh gia đình đoàn tụ, vợ chồng bên nhau, mắt chú ấy đỏ hoe, đưa tay chỉ chỉ, miệng ú ớ như muốn nói gì đó mà chẳng được. Chắc ông ấy nhớ quê, nhớ vợ con, bố mẹ lắm", anh Thường tâm sự.
Anh cho biết, hồi tháng 8 vừa qua, một gia đình có người cha mất tích tìm đến, đối chiếu các thông tin đều trùng lặp, ông Câm rất mừng, đồng ý về cùng ngay. Tuy nhiên, anh Thường lại sợ điều gì đó chẳng lành, một phần muốn ông tìm về đúng với gia đình nên đã yêu cầu đi giám định ADN cho chính xác. Cuối cùng, kết quả không đúng sau hai lần lấy mẫu đối chiếu.
"Chú ấy buồn và thất vọng lắm, mấy hôm liền chẳng chịu ăn, tôi phải khuyên và hứa sẽ làm các cách giúp chú được toại nguyện". anh Thường nói. Anh cũng cho biết, cái khó hiện nay là ông Câm không có giấy tờ tùy thân và không nhớ được quê mình ở đâu. Thông qua các nét vẽ, có lúc anh đoán quê ông ở miền Trung, có lúc thì đoán ở đâu ngoài Bắc.
Bà Nguyễn Thị Huê, trưởng ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh, Đồng Nai cho biết, ông Câm là người làm thuê cho gia đình anh Thường, đang ở một mình trong rẫy. "Tôi gặp ông ấy mấy lần, nhưng không nói chuyện được, vì ông ấy không nói và chẳng nghe được người khác nói. Ông ấy rất hiền lành, sống một mình và được mọi người trong ấp quý lắm. Ban đầu, tôi cứ nghĩ ông ấy trong thị xã đến làm thuê, chứ không hiểu rõ hoàn cảnh ông ấy. Mong ông ấy sớm tìm được người thân của mình", bà Huê nói.
Bà Huê cũng cho biết, do phía gia đình cưu mang ông trước đây và hiện tại không khai báo, vì thế, chính quyền địa phương không biết được hoàn cảnh của ông là thế nào.