Giải quyết rốt ráo khiếu nại, tố cáo của dân
Trong năm 2018, số lượng công dân đến cơ quan hành chính để khiếu nại, tố cáo tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017. Số vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính tăng 2,6%. Đặc biệt, số lượt đoàn đông người lên cơ quan Trung ương tăng 27,3%; tính chất phức tạp, gay gắt, khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài vẫn còn nhiều. Vậy làm sao để kéo giảm khiếu nại tố cáo?
Trao đổi với ĐĐK, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nếu giải quyết rốt ráo những vấn đề bức xúc của dân thì sẽ không có chuyện khiếu kiện vượt cấp.
Ông Phạm Văn Hòa.
PV: Thưa ông, Báo cáo của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy cả số vụ và số lượt đoàn đông người kéo lên các cơ quan trung ương đều tăng. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
Ông Phạm Văn Hòa: Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên theo tôi có phần của cơ quan nhà nước và có phần của người dân. Bởi cơ quan nhà nước đã giải quyết rồi, nhưng người dân cho rằng giải quyết không đúng quy định hoặc người dân chưa thỏa mãn với cách giải quyết. Nghĩa là, mặc dù Nhà nước khẳng định rằng giải quyết đúng quy định của pháp luật rồi nhưng người dân lại không hài lòng nên tiếp tục khiếu nại. Còn đối với các cơ quan nhà nước, thì cũng có một số nơi giải quyết cho người dân có nhiều vấn đề chưa đúng cho nên người dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo lên cấp trên.
Cá nhân ông nhận định thế nào về vai trò của người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua?
- Ở nơi nào Bí thư, Chủ tịch, người đứng đầu chính quyền địa phương quan tâm đến giải quyết khiếu nại tố cáo thì nơi đó tình hình có giảm hơn. Hầu như tại các bộ, ngành, địa phương người đứng đầu rất có trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, một số vụ việc có phát sinh vấn đề này, vấn đề kia thì đều xảy ra ở nơi cấp xã, cấp huyện do làm chưa đúng quy định.
Cá nhân tôi đánh giá cấp Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh đã giải quyết khá là rốt ráo, có trách nhiệm. Nhưng cấp dưới lại giải quyết chưa đến nơi đến chốn, từ đó dẫn đến có cái chưa đúng, thậm chí tại một số nơi còn tham mưu, đề xuất cho người đứng đầu trong cách giải quyết còn chưa phù hợp, dẫn đến những phát sinh và người dân lại tiếp tục khiếu nại, tố cáo lên trung ương.
Nếu tiếp công dân tốt sẽ giải quyết được tình trạng khiếu nại tố, cáo gia tăng, vậy ông nghĩ sao khi có thực trạng cán bộ lãnh đạo “lười” tiếp dân hay “lười” đối thoại với dân?
- Trách nhiệm của cơ quan công quyền là phải tiếp công dân, đó cũng là cách giải quyết được những vấn đề người dân khiếu kiện. Nhưng quan trọng, trách nhiệm của người tiếp công dân là phải giải thích cho đến nơi đến chốn, đừng làm kiểu lấy lệ. Người dân đến, cán bộ nghe họ trình bày nhưng không giải thích được cặn kẽ, cốt lõi như vậy tiếp công dân sẽ trở thành vô nghĩa. Cho nên cán bộ tiếp công dân phải hiểu pháp luật, giải thích cho dân hiểu thì mới hạn chế khiếu kiện vượt cấp.
Thực tế trong thời gian qua, có những vụ việc tiếp công dân nhưng chỉ giải thích qua loa, chưa đến nơi đến chốn, có trường hợp cán bộ tiếp công dân còn hướng dẫn bà con theo kiểu “không chịu thì gửi đơn lên cấp trên” nên mới có chuyện khiếu kiện vượt cấp.
Do đó tiếp công dân cần những người không chỉ có trình độ, năng lực mà còn phải là người có đạo đức để tiếp dân một cách chu đáo, chu toàn để người dân hiểu và thông suốt. Nếu tiếp công dân với thái độ hời hợt, giải thích chung chung, có khi họ không hài lòng nên phải gửi đơn vượt cấp.
Vậy theo ông, chúng ta cần giải pháp căn cơ nào để kéo giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo gia tăng?
- Giải pháp căn cơ, cốt lõi là ở địa phương phải giải quyết rốt ráo những vấn đề của người dân đang khiếu nại. Giải quyết đúng quy định của pháp luật, đến nơi đến chốn để người dân không phải kéo lên đến các cơ quan trung ương để khiếu kiện. Trung ương và địa phương phải có sự thống nhất trong giải quyết và phải giải quyết đúng quy định của pháp luật đề ra.
Ví dụ như đền bù, giải tỏa áp dụng làm sao cho đúng để người dân không bị thiệt thòi khi họ bị mất đất, mất nhà. Có những trường hợp nhà nước giải quyết đúng và thỏa đáng rồi, nhưng người dân cho rằng là chưa đúng, chưa theo quy định cho nên họ tiếp tục khiếu kiện. Vấn đề này có nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có chủ quan.
Một mặt là do cán bộ cơ sở các cấp giải quyết chưa đến nơi đến chốn, chưa thấu tình đạt lý, thậm chí có những cái chưa đúng quy định của pháp luật cho nên người dân vẫn khiếu kiện. Thậm chí, một số nơi có đối tượng xấu kích động để lôi kéo, xúi giục công dân đi khiếu kiện, tố cáo vượt cấp.
Cho nên các cơ quan chính quyền phải giải quyết rốt ráo, đúng quy định pháp luật và giải thích cho đến nơi đến chốn yêu cầu của người dân đặt ra thì sẽ đạt được kết quả cao nhất. Để người dân đi khiếu kiện vượt cấp cũng có lỗi của chính quyền nhưng cũng có lỗi của người dân.
Chúng ta phải nhìn nhận khách quan vấn đề này, nhưng quan trọng cơ quan công quyền phải xem xét trách nhiệm của mình trước từ công tác tuyên truyền, vận động, giải thích. Nếu giải quyết rốt ráo những vấn đề bức xúc của dân thì sẽ không có chuyện khiếu kiện vượt cấp.
Bên cạnh đó trong quá trình giải quyết, ngoài việc phải khách quan, trung thực theo quy định của pháp luật thì cũng nên có xử lý tình huống cho phù hợp với thực tiễn. Vì quy định là quy định chung của cả nước nhưng phải tùy theo tình hình thực tế của địa phương trong những tình huống phát sinh.
Trân trọng cảm ơn ông!