Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khảo cổ học
Sáng 23/9, tại TP Huế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA) tổ chức khai mạc Đại hội lần thứ 21 của IPPA. Sự kiện này có sự tham dự của hơn 700 nhà nghiên cứu, sinh viên sau đại học đến từ 35 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Đại hội, GS TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, từ năm 2009, sau khi Đại hội IPPA lần thứ 19 được tổ chức tại Hà Nội đã có những ngành nghiên cứu mới trong khảo cổ học ở Việt Nam ra đời như khảo cổ học dưới nước, nghiên cứu AND trong nghiên cứu khảo cổ học.
“Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khảo cổ học ở Việt Nam. Và tin tưởng rằng, thành công của Đại hội IPPA lần thứ 21 sẽ đem đến cho khảo cổ học Việt Nam một diện mạo mới, cùng hợp tác và phát triển”- GS Đức cho hay.
Cũng tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ 21 của IPPA, TS Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Chủ tịch IPPA đại diện cho các nhà nghiên cứu Việt Nam đã có bài thuyết trình về “Di sản văn hóa Huế và công tác bảo tồn”; TS Nguyễn Giang Hải, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có bài trao đổi về “Những nghiên cứu gần đây của khảo cổ học Việt Nam”.
Đại hội lần thứ 21 của IPPA kéo dài đến ngày 28/9 được đánh giá là sự kiện khoa học lớn nhất, quan trọng nhất của giới khảo cổ học trên toàn thế giới. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin và những kết quả nghiên cứu cũng như thiết lập quan hệ hợp tác.
Theo đó, tại sự kiện này, các nhà nghiên cứu sẽ trình bày các báo cáo khoa học, gồm: quá khứ khảo cổ học từ các địa điểm xưa nhất của con người sống trong vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương; các phương pháp lý thuyết mới và vấn đề kỹ thuật cao trong nghiên cứu thực địa và phân tích tại phòng thí nghiệm; cách tiếp cận sáng tạo chiến lược giáo dục và khuyến khích cộng đồng cùng bảo tồn di sản…