Phát hiện nhiều hang động thời tiền sử ở Tuyên Quang

Theo VGP 25/09/2018 16:20

Các nhà khoa học vừa phát hiện nhiều hang động thuộc vùng núi đá vôi huyện Chiêm Hóa có dấu tích văn hóa của cư dân thời hậu kỳ Đá mới, có niên đại khoảng 4.000 năm trước.

Phát hiện nhiều hang động thời tiền sử ở Tuyên Quang

Ảnh minh họa.

Trong đợt khảo sát, điều tra khảo cổ học vào tháng 7 vừa qua tại tỉnh Tuyên Quang, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tuyên Quang đã phát hiện nhiều hang động thuộc vùng núi đá vôi huyện Chiêm Hóa có dấu tích văn hóa của người tiền sử. Đó là hang Pù Chùa thuộc xã Minh Quang và hang Ngần, hang Khỉ thuộc xã Phúc Sơn.

PGS.TS. Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho TTXVN biết, các di tích trên có đặc điểm địa hình chung là hang động phân bố trên sườn những ngọn núi đá vôi thấp, gần sông, cận suối.

Hang Pù Chùa ở sườn phía đông nam quả núi lớn, độ cao hơn 50 m so với chân núi. Cửa hang nhỏ có hình vòm nhỏ mở về phía đông nam, trông ra một thung lũng lớn. Đường lên hang rất thuận tiện. Bề mặt hang khá bằng phẳng, rộng trên 100 m2. Trong lòng hang chia làm nhiều ngách, trần hang hình vòm ít nhũ rủ. Phần lớn diện tích lòng hang nhận được ánh sáng tự nhiên, thuận lợi cho con người cư trú. Cách hang 200 m về phía đông nam có dòng suối lớn chảy qua.

Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, dấu tích của người tiền sử tập trung chủ yếu gần cửa hang; tầng văn hóa khảo cổ khá mỏng, khoảng 0,4 m.

Các nhà khảo cổ đã thu thập được một bộ di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá và đồ gốm được tìm thấy ở sát vách hang. Bộ sưu tập đồ đá gồm gần chục rìu đá mài nhẵn, trong đó có rìu hình tứ giác, rìu hai vai và rìu một vai. Về hình dáng rìu: Phần lưỡi to, phần đốc thu nhỏ lại và đều được mài từ hai mặt lại, tuy nhiên trên phần thân rìu còn bảo lưu nhiều vết ghè.

Đồ gốm có hàng chục mảnh gồm nhiều mảnh miệng, thân và đáy. Những mảnh gốm này chủ yếu được tạo bằng bàn xoay, chỉ có một số mảnh có dấu vết nặn tay. Phần lớn có hoa văn trang trí trên bề mặt với những mô típ kỹ thuật tạo hoa văn cổ sơ như vặn thừng đập, hay khắc vạch hình sóng nước nối tiếp nhau. Những mảnh gốm này có thể được vỡ ra từ nhiều loại nồi, vò, bình với nhiều kích cỡ khác nhau.

Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, vào kết cấu trầm tích địa tầng văn hóa, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng, hang Pù Chùa là một di tích cư trú của người tiền sử, có niên đại thuộc hậu kỳ Đá mới, cách đây 4.000 năm. Đây là lần đầu tiên phát hiện được di tích của cư dân văn hóa hậu kỳ Đá mới trong hang động ở huyện Chiêm Hóa.

Riêng hang Ngần và hang Khỉ, đoàn khảo sát mới chỉ khảo sát trên bề mặt, chưa đào thám sát, nhưng đã phát hiện gần chục công cụ đá ghè đẽo, bao gồm công cụ chặt thô, công cụ mũi nhọn. Đây là những công cụ lao động thô sơ mang tính đa năng của người tiền sử. Trong một vách hang, còn lưu lại dấu vết lớp trầm tích chứa mảnh tước đá, vỏ ốc suối bị chặt cụt đuôi, ốc núi và xương răng động vật.

Căn cứ vào những dấu tích còn lại cho thấy, hang Ngần và hang Khỉ là những di chỉ cư trú của cư dân tiền sử thuộc thời đại Đá, niên đại có thể sớm hơn hang Pù Chùa.

Hiện các cơ quan hữu trách đang có kế hoạch đào thám sát hang Pù Chùa và khảo sát toàn bộ khu vực sơn khối đá vôi huyện Chiêm Hóa trong thời gian tới.

Theo VGP