Tinh giản phải thực chất
GS TS Lê Minh Thông – trợ lý Chủ tịch Quốc hội vừa kiến nghị cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức hợp lý, tránh bộ máy cồng kềnh, hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, ông Thông cũng cảnh báo cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh việc cắt giảm cơ học, tức là nhập bộ này vào bộ khác mà không có sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ sẽ khiến công việc bị rối rắm, phức tạp.
Cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh việc nhập bộ này vào bộ khác mà không có sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ sẽ khiến công việc bị rối rắm, phức tạp.
Thí điểm tinh gọn bộ máy
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10 để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII (Nghị quyết số 18), về việc sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan xem xét, rà soát lại những thể chế, cơ cấu của các đơn vị để đưa ra giải pháp phù hợp.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, có thể xem xét việc thực hiện thí điểm ngay ở những nơi có điều kiện hợp nhất. Chẳng hạn có thể xem xét hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Hay thí điểm hợp nhất cơ quan kiểm tra Đảng và cơ quan thanh tra của Nhà nước. Khi sáp nhập cơ quan kiểm tra Đảng với cơ quan thanh tra của Nhà nước, thống nhất một thủ trưởng, một dấu. “Khi giải quyết công việc liên quan đến kiểm tra Đảng thì áp dụng theo quy định của Điều lệ Đảng, khi xử lý vấn đề liên quan đến pháp luật thì áp dụng Luật Thanh tra...” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định.
Tinh thần của Chính phủ là không làm nóng vội nhưng những nơi có thể làm được ngay thì cần làm ngay. Đây là việc khó nên rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị với sự quyết tâm cao, quyết liệt để sắp xếp và tinh giản bộ máy. Trong làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0), chắc chắn nhân lực lao động dù là chân tay hay trí óc đều sẽ bị tác động theo hướng tinh giản tối đa. Vì thế, việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cũng là phù hợp với xu hướng chung, cho thấy sự chuẩn bị chủ động, tích cực của Chính phủ và toàn xã hội.
Trong khi một số địa phương, bộ, ngành chủ động sáp nhập các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, hoặc chồng chéo để tinh gọn bộ máy, tạo hoạt động hiệu lực, hiểu quả thì không ít địa phương, bộ, ngành vẫn còn “nằm im” nghe ngóng động tĩnh. Ai cũng biết mỗi khi sáp nhập là sẽ có không ít người mất “ghế”, bổng lộc sẽ không còn được như trước nên họ sẽ kháng cự tới cùng. Nếu người đứng đầu địa phương, bộ, ngành không thực sự quyết liệt thì sẽ khó mà thực hiện được chủ trương tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả, hiệu lực.
Thực trạng “bộ trong bộ”
Là một trong số các bộ có nhiều tổng cục, cục, vụ... sau khi có chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Công an đã gương mẫu dẫn lối tiên phong trong việc tinh gọn bộ máy đáp ứng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nếu như trước kia Bộ Công an có tới 6 tổng cục thì hiện nay đã xóa bỏ không còn tổng cục nào, 125 cục qua tiến hành sáp nhập những cục có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì hiện nay chỉ còn 58 cục, tinh giản được hơn 1.000 phòng thuộc các cục, các đơn vị cấp cục. Cùng với đó là việc sáp nhập 20 sở PCCC tại các tỉnh, thành phố về công an tỉnh, thành phố đó cũng khiến bộ máy trở nên gọn nhẹ không còn nhiều đầu mối cồng kềnh nữa.
Chẳng thế mà dư luận xã hội đánh giá cao động thái mạnh tay trong việc tinh giản bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Bộ Công an. Đánh giá cao và nhiệt liệt ủng hộ cũng phải thôi, khi mà trong thời gian dài, tổ chức bộ máy của bộ này phình ra quá lớn. Có đến 6 tổng cục, bên dưới có các cục, các vụ trực thuộc. Nhiều tầng nấc trung gian khiến bộ máy trở nên cồng kềnh. Ví dụ, cùng là quản lý hồ sơ cán bộ nhưng vừa có Cục Quản lý hồ sơ cảnh sát, lại có Cục Quản lý hồ sơ an ninh. Hay như cả đơn vị là Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Tình báo đều có Cục Kỹ thuật.
Có ý kiến nói vui rằng, một tổ chức được thành lập bao giờ cũng đi kèm 4 thứ: “Đinh, điền, tiền, triện”, nghĩa là cứ mỗi lần “đẻ” thêm một đơn vị là phát sinh thêm không ít nhân lực, phòng ốc, ngân sách, con dấu... Điều này được minh chứng bằng con số cụ thể, nếu như năm 2011 cả nước chỉ có 21 tổng cục thì đến 2017 con số này là 42, tăng gấp đôi tầng nấc trung gian. Chẳng thế mà Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từng so sánh, trong khi dân số cả nước chỉ tăng có 20% thì đội ngũ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước phình thêm 100%, chưa kể lực lượng vũ trang.
Việc số lượng tổng cục được thành lập ngày càng tăng, trong tổng cục cũng tổ chức cục, vụ, văn phòng, thanh tra... tạo nên mô hình “bộ trong bộ”. Cơ cấu này tạo ra rất nhiều tầng nấc bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, không những làm tăng tính cồng kềnh của bộ máy mà còn làm tăng tính quan liêu, giảm hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý. Theo đó, nhiều ý kiến các chuyên gia quản lý cho rằng, cần giảm bớt, thậm chí bỏ hẳn các tầng nấc trung gian để đảm bảo tập trung các đầu mối, tạo điều kiện làm việc thông suốt, không còn bị ách tắc vì phải trình qua quá nhiều cấp.
Không sáp nhập cơ học
Trong tham luận góp ý sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ 2016 gửi đến Bộ Nội vụ, GS.TS Lê Minh Thông – trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sau 3 năm thực hiện luật này, một số hạn chế, bất cập trong việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các bộ, ngành vẫn chưa được khắc phục. Theo ông Thông, cơ cấu tổ chức Chính phủ chậm được nghiên cứu để tiếp tục đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả, dù luật đã có những điều chỉnh quan trọng theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Theo đó, GS.TS Lê Minh Thông đề xuất giảm số lượng bộ, cơ quan ngang bộ để tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Cơ cấu tổ chức gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ kéo dài từ nhiệm kỳ 12 (Quốc hội khóa 12 - PV) đến nay cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện về sự phù hợp trong thực tiễn...” - ông Thông nhấn mạnh.
Để tăng tính thuyết phục trong đề xuất của mình, GS TS Lê Minh Thông so sánh Việt Nam với cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia có quy mô dân số, quy mô nền kinh tế lớn hơn nhiều lần, nhưng số lượng bộ, ngành thường chỉ dao động dưới 20. Từ đó ông Thông đưa ra kết luận: “Rõ ràng số lượng bộ, cơ quan ngang bộ ở nước ta vẫn còn nhiều”. Với quan điểm trên, GS.TS Lê Minh Thông cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, cần tiếp tục nghiên cứu, tiến tới cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức phù hợp. “Thông qua việc tái cơ cấu lại các bộ, cơ quan ngang bộ, sáp nhập các bộ có nhiệm vụ, chức năng gần nhau để giảm số lượng bộ, ngành, vừa khắc phục tình trạng trùng, lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực...” – trợ lý Chủ tịch Quốc hội kiến nghị.
Tuy nhiên, GS TS Lê Minh Thông cũng cảnh báo không nên sáp nhập các bộ, cơ quan ngang bộ một cách cơ học, bởi như vậy không những không tinh giản được bộ máy, mà còn khiến công việc trở nên rắc rối, phức tạp hơn. Thực tiễn tổ chức Chính phủ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, việc sắp xếp, sáp nhập các bộ thành bộ quản lý đa ngành chưa thực sự đi liền với việc điều chỉnh sâu về chức năng, cắt giảm, lồng ghép nhiệm vụ. “Việc sáp nhập bộ, ngành thời gian qua chủ yếu được thực hiện trên cơ sở hợp nhất các bộ đơn ngành, dẫn đến khối lượng công việc, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của bộ trở nên phức tạp. Việc sáp nhập một số bộ đa ngành, đa lĩnh vực không kèm tái cơ cấu cấu trúc bên trong của các bộ nên tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng cao...” – GS TS Lê Minh Thông phân tích.
Từ tình hình trên, ông Thông kiến nghị tiếp tục thực hiện nhất quán và nâng cao hiệu quả mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các bộ để xác định hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ. Nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng giống nhau, đối tượng và phạm vi quản lý liên quan với nhau để khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước, nhưng phải đảm bảo sự liên thông, đồng bộ, thống nhất của bộ máy Chính phủ. Đồng thời, đổi mới việc sắp xếp, tái cấu trúc tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng tinh gọn, bỏ cấp trung gian. Trên tinh thần đó, xác định rõ tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục, tạo khung tổ chức thống nhất, đồng bộ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.