Xi măng tăng xuất khẩu: Không lo biến động từ thị trường nhập khẩu

Minh Phương 26/09/2018 08:20

Lo ngại về những tác động đến môi trường, nhiều nước đã giảm xuất khẩu xi măng, thay vào đó là tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này đã đẩy nguồn cung xi măng của nước ta lên cao. Cùng với lo ngại ô nhiễm môi trường khi chúng ta đẩy mạnh sản xuất là nhiều rủi ro nếu các nước ngưng nhập khẩu.

Xi măng tăng xuất khẩu: Không lo biến động từ thị trường nhập khẩu

Ngành xi măng vẫn chủ động với thị trường cả trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, xuất khẩu xi măng có xu hướng tăng kể từ cuối năm 2017, do chính sách của Trung Quốc thay đổi, từ nước xuất khẩu chuyển sang nhập khẩu clinker, nhất là nhập từ Việt Nam. Chính bởi vậy, xi măng xuất khẩu nhảy vọt về số lượng và giá xuất khẩu cũng có xu hướng tăng cao.

Và dường như, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao, nhiều dự án xi măng cũng đã được đưa vào vận hành. Đơn cử, 3 dự án xi măng tại Thanh Hóa và Hà Nam gồm dự án Long Sơn 2, dự án 2 xi măng Thành Thắng và dự án 2 xi măng Xuân Thành với công suất khoảng 2,3 triệu tấn -4,5 triệu tấn/ năm. Với việc đưa vào vận hành 3 dự án trên, hiện nay, Việt Nam có 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, phương pháp thô, với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn xi măng/ năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi các nước đang có xu hướng ngừng xuất khẩu xi măng, giảm các dự án xi măng trong nước để ngăn chặn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thì việc chúng ta tăng xuất khẩu có vẻ như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một là nếu nước nhập khẩu ngừng nhập xi măng, việc phụ thuộc vào nước nhập khẩu sẽ khiến ngành xi măng nước nhà sẽ rơi vào tình trạng “ngập lụt” nguồn cung. Và thứ hai là những nguy cơ về ô nhiễm môi trường khi chúng ta đẩy mạnh việc xây dựng các dự án xi măng.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) khẳng định: Ngành xi măng vẫn luôn làm chủ tình thế, lấy thị trường nội địa làm “đại bản doanh” và không bao giờ rơi vào tình thế bị động, phụ thuộc thị trường bên ngoài.

“Bản thân Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu xi măng lớn trong khu vực, do đó không phải vì thấy số lượng xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc lớn mà lại tăng đầu tư để xuất khẩu. Hiện, ngành xi măng vẫn đang giữ nguyên số lượng xi măng sản xuất như trước đây” – ông Cung cho biết.

Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận thực tế rằng, Trung Quốc đã cho dừng hàng loạt các nhà máy xi măng để chuyển sang nhập khẩu xi măng Việt Nam xuất phát từ việc ô nhiễm môi trường. Ở một khía cạnh nào đó, đây được coi là cơ hội cho xuất khẩu xi măng Việt Nam, nhưng chúng ta cần phải tính đến yếu tố phát triển bền vững vì những tác động đến môi trường của các dự án xi măng là không nhỏ. Bên cạnh đó là vấn đề về tiêu thụ điện năng.

Nói về vấn đề này, vị Chủ tịch VNCA cho hay: Việt Nam hiện có tỉ lệ dây chuyền công suất lớn hơn, trong khi đó Trung Quốc có nhiều dây chuyền công suất nhỏ, công nghệ chủ yếu do Trung Quốc tự sản xuất, còn công nghệ sản xuất xi măng của Việt Nam phần lớn nhập từ các nước phát triển, chủ yếu là các nước G7. Chính vì vậy, riêng yếu tố công nghệ đã cho thấy, các dự án của ta tác động đến môi trường sẽ ít hơn nhiều. Tuy nhiên, theo khẳng định của Chủ tịch VNCA, định hướng của ngành xi măng Việt Nam vẫn lấy thị trường nội địa làm nền tảng chính cho sự phát triển, không căn cứ vào xuất khẩu để hoạch định chính sách.

Để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững, VNCA cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng mới từ nay đến 2025, đồng thời cho đẩy mạnh đầu tư cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản…

Minh Phương