Hưởng sai trợ cấp ưu đãi người có công: Vẫn khó xử lý
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát, kiểm tra, phát hiện hàng trăm trường hợp hưởng sai trợ cấp ưu đãi người hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con đẻ của họ nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), buộc phải hoàn trả số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng vẫn còn đó những trường hợp khai man hồ sơ, bị người dân tố cáo, việc xử lý còn lắm…gian nan.
Năm 2001, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên có gần 70 trường hợp làm thủ tục, hồ sơ để hưởng trợ cấp, ưu đãi người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH theo Quyết định 26/2000/QĐ-TTg, ngày 23/2/2000, của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, người dân ở xã này đã tố cáo 9 trường hợp man khai, sửa chữa hồ sơ… để hưởng trợ cấp ưu đãi (Báo ĐĐK, số 98, ra ngày 8/4/2015, đã đăng bài phản ánh…).
Sau nhiều năm, những người tố cáo đã phải chịu nhiều áp lực tiêu cực, tốn kém thời gian, công sức…Ngày 22/12/2010, Sở LĐTB-XH tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kết luận số 222/KL-BXH-TTR, nêu đích danh 8 trường hợp (một trường hợp bị bệnh chết trước khi có kết luận): Không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH.
Theo đó, ngày 18/2/2011, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 376/QĐ-UBND đình chỉ chế độ trợ cấp ưu đãi và buộc hoàn trả số tiền được hưởng tính từ năm được thụ hưởng đối với từng trường hợp cụ thể. Theo cơ quan chuyên môn, tính đến năm 2017, 8 trường hợp này phải hoàn trả 271.654.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào nộp trả.
Trong số 8 trường hợp, có ông Lưu Văn Giáp (sinh 1946, nguyên Bí thư Đảng ủy xã) cũng chưa nộp trả 47.744.000 đồng theo thông báo 114/TB-LĐTBXH, ngày 10/6/2011, của Phòng LĐTB&XH huyện Phú Lương. Sau 38 năm (1973-2011), ông về đơn vị cũ (Trung đoàn 236, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ), lấy “xác nhận giấy tờ bổ sung…”.
Ngày 30/7/2011, đơn vị này ban hành công văn 92/TĐ, gửi Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên, nêu ông Giáp “… trong thời gian từ tháng 5/1972 đến tháng 4/1973, tiểu đoàn 63, trung đoàn 236, sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ có trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến dịch Quảng Trị. Trung đoàn đã cấp giấy chứng nhận thời gian công tác cho đồng chí Lưu Văn Giáp ngày 13/4/2011”. Ngày 8/3/2012,Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên căn cứ vào tài liệu này, ban hành Quyết định 136/QĐ-TBXH, cho ông Giáp hưởng lại trợ cấp từ ngày 1/1/2012. Một lần nữa, người tố cáo lại phải gửi đơn đến Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH), khiếu nại.
Ngày 10/10/2012, Cục Người có công đã ban hành Công văn 1127/NCC, gửi Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên, kết luận: “Giấy chứng nhận ngày 13/4/2011 và Sổ đăng ký giảm quân của Trung đoàn 236, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ đều chưa đủ căn cứ để xác nhận ông Lưu Văn Giáp là người HĐKC ở vùng nhiễm CĐHH, yêu cầu Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên, ban hành Quyết định đình chỉ trợ cấp đối với ông Giáp”. Ngày 15/11/2012 Sở LĐTB-XH tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định 167/QĐ-LĐTB-XH đình chỉ và thu hồi trợ cấp người HĐKC bị nhiễm CĐHH kể từ ngày 1/12/2012 đối với ông Lưu Văn Giáp…
Xung quanh việc giải quyết trường hợp ông Nguyễn Minh Tuân (sinh 1943), tổ dân phố 8, Phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cũng rất phức tạp. Theo tố cáo của người dân địa phương: Ông Tuân làm thủ tục hưởng ưu đãi người HĐKC và con đẻ bị nhiễm CĐHH năm 2006, theo Nghị định 54/2006/NĐ-CP, ngày 26/5/2006, của Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ của ông Tuân đã bị Hội đồng cơ sở trả lại, vì có nhiều mâu thuẫn, không rõ ràng. Sau đó ông Tuân đã mang hồ sơ nộp thẳng lên tỉnh… Năm 2009, Sở LĐTB&XH tỉnh có Quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi cho ông Tuân với tỷ lệ suy giảm KNLĐ 83%, có người phục vụ.
Theo người dân tố cáo, hồ sơ của ông Tuân, cho là có HĐKC ở vùng bị nhiễm CĐHH, Quyết định xuất ngũ số 205, ngày 3/8/1969, ghi: “Quê quán: Phố Trưng Vương, thị xã Bắc Thái”, trong khi tỉnh Thái Nguyên chưa bao giờ có địa danh “thị xã Bắc Thái”. Nếu ông Tuân sống ở đây và năm 1968 đi bộ đội, tại sao không biết thị xã Thái Nguyên đã được Quốc hội phê duyệt nâng cấp lên thành phố ngày 29/10/1962? Để rồi, 7 năm sau (1962-1969) vẫn ghi thị xã Bắc Thái”(?) v.v... Hay trong “Bản khai…(mẫu số 01)” của ông Tuân tự ghi: Thời gian ở chiến trường: Từ tháng 2/1968 (cùng thời điểm nhập ngũ- NV) đến tháng 12/1970. Trong khi Quyết định xuất ngũ số 205, lại là ngày 3/8/1969 (trước đó 01 năm 04 tháng).
Còn theo Công văn số 39/2017/CV-TĐ ngày 22/11/2017 của Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (trước đó Trung đoàn này đã có Công văn số 29/2016/CV-TĐ, ngày 6/10/2016, phúc đáp Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên), cùng nội dung trả lời đơn công dân: “Trung đoàn đã tiến hành rà soát, tìm kiếm và kiểm tra toàn bộ tài liệu, hồ sơ, gồm: Danh sách quân nhân, các quyết định điều động; quá trình tham gia chiến đấu; Quyết định xuất ngũ… hiện đang lưu trữ tại đơn vị, không thấy thông tin có liên quan đối với trường hợp ông Nguyễn Minh Tuân, thời gian từ năm 1967 đến năm 1970”. Như vậy, Quyết định xuất ngũ số 205, ngày 3/8/1969, mang tên ông Nguyễn Minh Tuân liệu có đủ tin cậy... Đến nay, Sở LĐTB&XH và một số cơ quan hữu trách của tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Rất mong, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên và Trung ương sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại như đã nêu, để làm rõ trắng đen, đảm bảo danh dự, chính sách cho cá nhân, đồng thời xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm, làm trái luật.