Nạn khai thác cát trái phép vùng giáp ranh Hà Nội: Chế tài xử lý chưa đủ mạnh
Tại Hà Nội, nơi có tới 8 tỉnh, thành phố giáp ranh, công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép đang gặp nhiều khó khăn.
Khai thác cát lậu làm sạt lở đất canh tác tại thôn Đô Tân, xã Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội).
Đầu tháng 8/2018, tại khu vực sông Công giáp ranh giữa xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội với xã Trung Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, xuất hiện nhiều tàu thuyền “hút” cát trái phép. Khai thác cát trái phép không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia mà còn gây sạt lở nghiêm trọng; nhiều ha đất canh tác của người dân thôn Đô Tân (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) bị trôi xuống sông.
Nhiều vết sạt lở còn tươi màu đất mới và chưa có dấu hiệu dừng lại nếu như cơ quan chức năng không có biện pháp kè hay gia cố để giữ bãi nổi của xã Bắc Sơn. Đầu tháng 8/2018, các đối tượng không tổ chức khai thác ban ngày như trước mà thường chọn thời điểm từ khoảng 22 giờ trở đi.
Nguyên nhân tái xuất hiện nạn khai thác cát trái phép tại xã Bắc Sơn được lý giải là do xảy ra ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh, thành phố nên khó quản lý. Cùng một con sông nhưng huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) cho phép khai thác cát, còn xã Bắc Sơn (Hà Nội) lại cấm khai thác. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã đưa dụng cụ khai thác sang địa phận của xã Bắc Sơn khai thác cát trộm, dẫn tới sạt lở bờ sông.
Ông Đặng Xuân Thụy, Trưởng Công an xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, cho biết, để ngăn chặn tình trạng khai thác “cát lậu”, sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị báo cáo Công an cấp trên để xử lý. Tuy nhiên, hiện lực lượng Công an xã còn mỏng, thiếu phương tiện để vây bắt đối tượng khai thác cát trái phép. Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, Công an xã Bắc Sơn sẽ tăng cường tuần tra mật phục, đồng thời tổ chức cho các chủ phương tiện ký cam kết không khai thác cát trái phép.
Công an huyện Sóc Sơn cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép đang vướng là chế tài xử phạt. Từ trước đến nay, ngoài việc xử phạt hành chính, huyện chưa thu giữ được bất kỳ phương tiện nào.
Lý giải về điều này, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Sóc Sơn nói: Khi bắt giữ đối tượng khai thác cát trái phép, có trên 50 m khối cát trở lên thì xem xét thu giữ phương tiện. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra xử lý ở Bắc Sơn cho thấy các tàu khai thác chỉ có khoảng 40 m khối nên lực lượng chức năng chỉ xử phạt hành chính chứ không thu giữ phương tiện. Chính chế tài chưa đủ mạnh đang làm giảm hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép.
Ngoài Sóc Sơn, tại các huyện khác trên địa bàn Hà Nội như Ba Vì, Thường Tín, Phúc Thọ, Phú Xuyên cũng xảy ra tình trạng hút cát trái phép ở các khúc sông giáp ranh. Trong khi đó, việc xác định ranh giới để ngăn chặn đối tượng khai thác cát là khó khăn.
Vào thời điểm đêm tối, một số doanh nghiệp của Vĩnh Phúc đã tiến hành khai thác cát trái phép tại bãi nổi thuộc huyện Phúc Thọ. “Khu vực bãi nổi ở cách xa khu dân cư, khi được người dân thông báo vụ việc, chúng tôi huy động lực lượng đến để kiểm tra, vây bắt thì các đối tượng đã kịp rút sang địa phận được khai thác là thuộc tỉnh Vĩnh Phúc nên rất khó ngăn chặn triệt để nạn khai thác cát lậu trên sông Hồng đoạn qua địa bàn” - ông Đặng Văn Nghĩa cho biết.
Trước nguy cơ khai thác cát trái phép ở khu vực giáp ranh có thể bùng phát trở lại, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thông tin, thời gian qua, cơ quan này đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp với Công an 8 tỉnh, thành giáp ranh để ngăn chặn, bắt giữ, xử lý việc khai thác cát trái phép. Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Hà Nội mở đợt cao điểm xử lý khai thác cát trái phép ở những đoạn giáp ranh, kết quả đã xử lý 16 vụ việc.