Để người nghèo tiếp cận vốn vay ngân hàng

Nguyễn Văn Nam 27/09/2018 08:00

Những năm qua, để giúp bà con thoát nghèo, vươn lên khá giả, hệ thống tín dụng nhà nước đã có nhiều giải pháp để bà con tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, đối với bà con vùng sâu vùng xa, thủ tục vay vốn ngân hàng vẫn là “rào cản”.

Để người nghèo tiếp cận vốn vay ngân hàng

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tủa Chùa (Điện Biên) giải ngân cho hộ nghèo vay phát triển kinh tế, tại điểm giao dịch Xá Nhè.

Nhằm hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp nói riêng, cơ giới hóa ngành nông nghiệp nói chung, Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Theo Quyết định 68 và các thông tư hướng dẫn thi hành, thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay bằng tiền Việt Nam để mua máy, thiết bị mới nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Các loại máy, thiết bị được hỗ trợ vay mua không phân biệt sản xuất trong nước, hay nhập khẩu, nhưng phải mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân. Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa; lãi suất cho vay thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ; các khoản vay sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba.

Đặc biệt, một trong những quy định “mở” nhất hiện nay là thay vì người vay phải có tài sản bảo đảm thì có thể sử dụng máy móc vừa mua làm tài sản thế chấp. Đây là một điểm mới rất tích cực bởi hầu hết nông dân hiện có tài sản bảo đảm chủ yếu là đất nông nghiệp có giá trị thấp, hơn nữa trong đó có nhiều diện tích chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên giá trị làm tài sản bảo đảm không đủ so với khoản vay.

Một người dân ở thôn 6, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk cho biết, ông đã được Ngân hàng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Đăk Lăk cho vay 500 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp.

“Nếu không được xem xét điều kiện vay với tài sản bảo đảm là chính chiếc máy gặt đập liên hợp đó thì gia đình tôi khó được vay bởi tài sản bảo đảm khác của gia đình còn hạn chế”- người này cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, bà con nông dân miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, nhất là với hệ thống ngân hàng thương mại. Tài sản thế chấp ngân hàng của họ quá ít giá trị nên các ngân hàng rất hạn chế khi cho vay.

Điều này dẫn đến việc nhiều người đã phải tìm đến “tín dụng đen” với lãi suất rất lớn, có khi lên tới 100%/năm. Tín dụng đen thực chất là cho vay nặng lãi, thủ tục vay rất đơn giản, hầu như không cần thế chấp. Nhưng chính điều đó đã đưa tới những hệ lụy rất khó lường. Nhiều gia đình đã phải bán nhà bán đất để trả nợ tín dụng đen. Khi không có tiền trả nợ, chủ nợ sẽ dùng mọi cách đe dọa, không chế, khiến người vay rơi vào bước đường cùng. Gia đình lục đục, khốn khó, cuộc sống bình thường tại thôn bản cũng không còn yên ả như trước.

Vấn nạn tín dụng đen hiện đang khuấy động nhiều khu vực bà con người dân tộc thiểu số, cần sớm phải chấm dứt. Mà muốn điều đó thì chính quyền địa phương phải kề vai sát cánh với bà con, nhất là với bà con nghèo. Thêm nữa, thủ tục vay vốn ngân hàng cần tiếp tục được cải tiến, để bà con dễ vay hơn.

Vì thế, có thể nói những điểm mới trong Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp cần được phát huy, nhân rộng.

Nguyễn Văn Nam