Thay đổi tâm thế, chinh phục người tiêu dùng
Phù hợp với thị hiếu người Việt cả về mẫu mã, giá cả và chất lượng nên các sản phẩm đến từ Nhật Bản và Thái Lan ngày càng thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường trong nước. Giới chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi tâm thế, phải làm sao để hàng Việt chinh phục được người tiêu dùng Việt, có như vậy chúng ta mới cạnh tranh được với hàng ngoại nhập trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay.
Cơn sóng hàng Nhật, hàng Thái đang đặt ra những thách thức lớn cho hàng Việt hiện nay.
Ồ ạt làn sóng hàng Nhật, hàng Thái
Nếu như trước đây, hàng hóa Trung Quốc có lợi thế giá rẻ tràn ngập thị trường trong nước, thì nay, hàng Thái Lan và hàng Nhật Bản cạnh tranh hơn hẳn về cả giá cũng như chất lượng, mẫu mã. Đó là lý do tại sao càng ngày trong nước xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị Nhật Bản, các cửa hàng tiện lợi của Thái Lan…
Theo thống kê của Bộ Công thương, hàng Thái Lan hiện đã có mặt gần 9.000 chợ lớn nhỏ và trong các siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy. Ở các thành phố lớn, hàng Thái chiếm từ 30 - 50% thị phần. Và nếu như, số lượng các siêu thị nước ngoài “đóng chân” ở Việt Nam khoảng 100 siêu thị, thì siêu thị Thái Lan chiếm đến 50%. Điều này cũng diễn ra tương tự đối với hàng hóa Nhật Bản. Ngày càng nhiều siêu thị mới mọc lên tại Việt Nam như AEON, 7 Eleven Ministop, Family Mart, Tokyo Deli, Gyu kaku, Oshaka Ohsho… Điều đáng nói, người tiêu dùng Việt Nam rất hào hứng đến mua sắm tại các siêu thị Thái Lan, Nhật Bản. Lý do được phần lớn các bà nội trợ đưa ra, là bởi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng…phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt.
Cơn sóng hàng Nhật, hàng Thái đang ngày một lớn, có sức cạnh tranh mạnh mẽ đặt ra những thách thức lớn cho hàng hóa Việt hiện nay.
Không phủ nhận, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã thay đổi khá mạnh mẽ tâm lý tiêu dùng của người dân. Điều này được minh chứng ở con số 90% hàng hóa tại các siêu thị là hàng của DN Việt sản xuất. Và một minh chứng rõ hơn là những sản phẩm hàng hóa nhập ngoại rẻ tiền, chất lượng kém trước đây đã hầu như bị loại khỏi thị trường. Người Việt Nam đã tìm mua hàng Việt chất lượng tốt, giá phải chăng.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan và Nhật Bản thời gian qua lại dấy lên những lo ngại về khả năng cạnh tranh của hàng hóa nước nhà. Người tiêu dùng dường như quan tâm nhiều hơn đến những mặt hàng của Thái Lan, của Nhật Bản vì tất cả những yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, giá cả đều phù hợp với họ.
Dư luận khá lo ngại khi đặt câu hỏi: Liệu hàng Việt có thể cạnh tranh với các sản phẩm Thái Lan, Nhật Bản trong thời gian tới, khi mà cánh cửa hội nhập ngày càng được mở rộng hơn?
Cần phải thay đổi tâm thế
Trả lời câu hỏi này, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam 10 năm qua dù đã phát huy những hiệu quả tích cực, song ở thời điểm này, đã có nhiều thay đổi. Theo ông Dương Trung Quốc, trước đây, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng kém, rẻ tiền nên chúng ta dễ dàng đánh bại, chỉ cần đạt chất lượng tốt, giá phải chăng. Còn thời điểm này, đã khác. Hàng hóa nhập từ các nước đều đạt được các tiêu chí về chất lượng, mẫu mã, giá cả nên cách làm của chúng ta phải khác đi. “Lúc này, hàng Việt, DN Việt phải chinh phục người tiêu dùng Việt, chứ không đơn thuần là để người tiêu dùng ưu tiên nữa, phải chinh phục bằng cả chất lượng sản phẩm cũng như cung cách, thái độ của người phục vụ” – ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Hàng Việt phải chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Nói về việc tại sao các sản phẩm hàng ngoại nhập đến từ Thái Lan, Nhật Bản và cả Hàn Quốc được người Việt rất tin dùng, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thị trường nêu quan điểm: “Các bạn cứ nhìn thử cung cách phục vụ của họ tại các siêu thị Nhật Bản, Thái Lan… thì biết, thái độ ứng xử của họ rất ân cần, coi khách hàng là thượng đế. Còn chúng ta, mặc dù thời gian qua, sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã ngày càng nâng lên về chất lượng, giá cả, nhưng khâu dịch vụ vẫn “mất điểm” lắm”.
Cũng theo ông Phú, ngay cả câu chuyện tự DN Việt hại lẫn nhau cũng là điểm khiến cho sức cạnh tranh của chúng ta giảm đi nhiều. “Thời gian qua, đã có tình trạng, nhiều DN khi chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và phân phối nội địa cũng như xuất khẩu, họ đã tự hại nhau khiến thương hiệu Việt không thể có chỗ đứng tại thị trường trong nước, nhà cung cấp muốn đưa sản phẩm vào siêu thị lại bị ép giá, chiếm dụng vốn nên việc tiếp cận với người tiêu dùng Việt càng khó khăn… Đây là những yếu tố mà mỗi DN cần phải nhìn lại, phải xây dựng được văn hóa DN, đạo đức kinh doanh để khi bước chân vào thương trường, họ chinh phục được người tiêu dùng bằng cả chất lượng sản phẩm cũng như cung cách phục vụ chứ không chỉ đơn thuần về giá cả, mẫu mã” – ông Phú nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cũng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nên xây dựng chương trình kế hoạch phát triển hàng nội theo hướng chất lượng hàng hóa cao ngang bằng thậm chí cao hơn thị trường ngoại. “Chúng ta chưa thể làm ở tất cả các mặt hàng nhưng có thể chọn lọc ở những nhóm hàng tiêu biểu, thế mạnh như thực phẩm, rau củ quả… làm sao một sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận là cơ sở để được người tiêu dùng thế giới chấp nhận”, ông Giám nói.
“Để hàng Việt thực sự có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập thì chất lượng, mẫu mã là yếu tố doanh nghiệp phải chú trọng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải liên tục đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì đẹp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành,... đây là những điều kiện tiên quyết để sản phẩm Việt chiếm được lòng tin và tạo được uy tín lớn đối với người tiêu dùng trong nước” - bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. |