Vì màu xanh cuộc sống: Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường
Từ hiệu quả hoạt động của các khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường điểm, các địa phương trong huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã nhân rộng, thành lập các tổ vệ sinh môi trường. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 181/181 khu dân cư có tổ vệ sinh môi trường, trong đó có 154/181 tổ hoạt động thường xuyên.
Trao giấy khen cho các tập thể bảo vệ môi trường tiêu biểu tại Yên Dũng, Bắc Giang.
MTTQ huyện Yên Dũng vừa khen thưởng 15 ban Công tác mặt trận, 13 tổ vệ sinh môi trường và 2 HTX thu gom và xử lý rác thải đã có những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Ông Trịnh Hữu Bàn, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho rằng, để mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao, phải kể tới gần 200 Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Dũng suốt thời gian qua đã hết lòng với công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, từ năm 2012, hưởng ứng đề án xây dựng “Khu dân cư bảo vệ môi trường” của Ban thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang, Uỷ ban MTTQ huyện Yên Dũng đã ký chương trình phối hợp với phòng Tài nguyên và môi trường huyện, triển khai xây dựng 23 mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.
Hiện trên địa bàn huyện đã có 181/181 khu dân cư có tổ vệ sinh môi trường, trong đó có 154/181 tổ vệ sinh môi trường hoạt động thường xuyên. Điểm nổi bật của việc nhân rộng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” là đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành tiêu chí thứ 17 (tiêu chí về môi trường) trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen, tập quán để người dân dần hình thành nếp sinh hoạt hằng ngày trong việc giữ gìn môi trường trong lành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn.
Khẳng định môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, tuy nhiên, theo bà Hoàng Vân Anh, Chủ tịch MTTQ huyện Yên Dũng, thực tế hiện nay nhiều người dân vẫn chưa hiểu đúng về những tác động tiêu cực của biến đối khí hậu đến đời sống, kinh tế, xã hội và sức khỏe của con người.
Do vậy, việc vận động, xử lý các cá nhân, tập thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường còn nhiều khó khăn… Mặt khác, địa bàn khu dân cư nhiều nơi rộng, thưa dân nên gặp khó khăn trong việc thu gom xử lý. Tình trạng đổ rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở những khu chợ, khu đông dân cư vì chưa bố trí được địa điểm xây lò đốt rác hoặc khu xử lý rác thải vẫn diễn ra. Việc quy hoạch nơi thu gom rác của xã, thị trấn gặp khó khăn về địa điểm, diện tích...
Nhằm tìm giải pháp cho các địa phương trong tỉnh, bà Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng Phòng Phong trào MTTQ tỉnh Bắc Giang cho biết, phòng đã tham mưu cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, tuyên truyền, khuyến khích nhân dân đa dạng hóa các loại hình xử lý rác thải, trong đó chú trọng loại hình xử lý nhỏ lẻ như phân loại tại nguồn, tận dụng để bán tái chế, làm phân bón hoặc xử lý nhằm giảm thiểu sự tập trung gây ô nhiễm cục bộ.
MTTQ cũng kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, thiết kế, giúp người dân xây dựng mẫu lò bảo đảm về cấu tạo để khi vận hành đốt triệt để rác thải và không gây ô nhiễm môi trường thứ phát.
Ông Trịnh Hữu Bàn khuyến khích các Trưởng ban Công tác Mặt trận ở cơ sở chia sể kinh nghiệm trong việc khắc phục khó khăn và duy trì hiệu quả hoạt động của các “khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”.
“Nhất là về công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ Mặt trận phải gần dân để cùng trao đổi tìm ra giải pháp đối với công tác bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi thói quen, tập quán để người dân hình thành nếp sinh hoạt hằng ngày trong việc giữ gìn môi trường trong lành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là ở khu vực nông thôn”, ông Trịnh Hữu Bàn nhấn mạnh.