Nhà thơ Chu Thu Hằng: Yêu thương là lẽ sống
Hai tập thơ, hai tập truyện ngắn đã được in, hơn 200 tập kịch bản đã dựng thành phim, trong thời gian ngắn nữa, nhà thơ Chu Thu Hằng (Tổng biên tập báo Văn Hóa) tiếp tục ra mắt tập thơ mới.
Nhà thơ Chu Thu Hằng.
Lần đầu tiên tôi gặp Nhà thơ Chu Thu Hằng, khi đó, chị còn là phóng viên của Báo Văn Hóa, trong một cuộc gặp tất niên cuối năm, do một tờ báo khác mà chị đang cộng tác, tổ chức. Dáng vẻ trầm lắng, ăn mặc giản dị, chị lựa một chỗ ngồi hơi khuất, nghiêng về phía bóng tối, như thể muốn giấu mình.
Có lần, chị chia sẻ với tôi về con đường đến với báo chí của mình: “Tình cờ thôi. Tốt nghiệp đại học, vì lý do kinh tế nên tôi đã bỏ giấc mộng làm giảng viên đại học để kinh doanh trong hơn một năm. Tôi bán hai cái nhẫn cưới về Nam Định học làm quần bò mài một ngày, sau đó mua 100 mét vải bò và bắt đầu “khởi nghiệp”. Số tôi may nên công việc kinh doanh suôn sẻ. Tôi và bạn hàng- một thầy giáo dạy sử ở Trường ĐH Tổng hợp có cửa hàng ở phố Hà Trung định lập công ty và xuất khẩu quần bò sang Nga nhưng kế hoạch phải bỏ do Liên bang Nga tan vỡ. Tôi quay trở lại với ý tưởng kiếm việc làm trong cơ quan nhà nước và được nhận làm chân đánh máy chữ của Tạp chí Điện ảnh Ngày nay, thuộc Viện Phim VN.Tại đó, tôi có điều kiện xem nhiều phim mới cùng các anh/ chị phóng viên.
Sau mỗi phim, tôi lại đánh máy bài của họ gửi cho tạp chí. Tôi đọc, suy ngẫm và nghĩ, để viết một bài phê bình phim như thế sau khi xem một bộ phim không quá khó. Tôi đã vào thư viện của Viện, tìm cuốn Ngôn ngữ điện ảnh của Nga để đọc. Trong hai tháng, tôi đọc hàng chục cuốn sách về điện ảnh; hàng trăm cuốn tạp chí viết về các bộ phim, nghiên cứu cách viết của những cây bút phê bình điện ảnh có tên tuổi lúc bấy giờ và bắt đầu tập viết. Thêm một lần may mắn, bài viết đầu tiên của tôi về điện ảnh đăng trên báo Thanh Niên năm 1992, tiếp đó là hàng loạt tờ báo khác. Bác Viện trưởng – Nhà phê bình điện ảnh Hoàng Thanh sau khi đọc các bài báo do tôi viết đã chủ động gặp tôi và chuyển tôi sang bộ phận phóng viên của Tạp chí. Tôi đã viết về điện ảnh trong hơn 20 năm, cùng với các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa khác… và thực sự cảm thấy bị cuốn hút, đam mê với công việc. Nói thật nhé, làm báo là phải đam mê. Đã đam mê thì thích khám phá và văn hóa thì càng khám phá càng thấy nó rộng và bí ẩn”.
Ưa ngồi một mình, ngẫm ngợi những câu thơ, và cũng quyết liệt phơi bày những mảng đen cuộc sống qua các kịch bản được viết, nhưng dường như, đó là một góc rất khác của Chu Thu Hằng. Chị sống ngoài đời chân thành hiền hòa và bình dị. Với chị, trách nhiệm và tình yêu thương mới thực là lẽ sống. Chị thường quan tâm, chăm sóc cho người thân với những điều nhỏ nhất, nhưng cũng dễ đổ bệnh bởi sự nhạy cảm từ trái tim nghệ sĩ, khi gặp điều tổn thương.
Với tính cách ấy, thật ngạc nhiên đến ngày, chị trở thành Tổng biên tập của một tờ báo chuyên Văn hóa. Nhưng khi ấy, cũng là lúc rất nhiều khó khăn, trở ngại cần chị giải quyết. Đi con đường nào để vẫn giữ vững tính chất của tờ báo, nhưng lại tồn tại được giữa cơ chế thị trường là điều nan giải và đầy áp lực đối với người có tính cách trung thực thẳng thắn mà hiền hòa như chị.
Nhà thơ Chu Thu Hằng là một người làm quản lý, đi theo con đường chính trị với sự bộc trực của một người cả cuộc đời dành cho lý tưởng sống riêng của mình, hướng tới sự thiện và điều đẹp. Chính vì thế, chị không bao giờ giấu đi suy nghĩ thực trong mình, có điều kiện, là chị bộc lộ sao cho hết, cho nhẹ. Là người cứ thế phơi bày con người bên trong ra giữa đời, mà dường như lại khó có ai làm chị chùn mỗi bước chân đi hay có thể vấp ngã. Gặp nhà thơ Chu Thu Hằng không khó, chỉ cần một cuộc điện thoại hẹn trước, chị luôn mở rộng phòng riêng đón tiếp ân cần. Ngồi với chị, khi còn là một phóng viên, cho tới khi trở thành bà tổng biên tập, thì vẫn cùng một sự thân thiết ân cần tình cảm của một người chị, để có thể thư giãn mà giãi bày tâm sự, chị lắng nghe, vẫn vẻ nhẹ nhàng thấu hiểu, nhưng lại rất nhanh chóng giải quyết giúp đỡ. Gặp nhiều phụ nữ, nhưng hẳn chỉ có thể bên nhà thơ Chu Thu Hằng, mới thấy sự nữ tính đoan trang và niềm tin cậy lớn lao dù chị không bao giờ muốn thể hiện.