Khi ứng xử gia đình phóng chiếu vào xã hội
Hơn chục năm nay, có một câu chuyện mà đôi lần tào lao về chuyện xưng hô, tôi lại kể với bạn bè. Chẳng là hồi đó cơ quan mới tuyển dụng một cô gái, không biết vì gọi theo các chị lớp trước hay vì thấy tôi “còn trẻ” mà cô gọi là anh và xưng em. Được gọi như vậy cũng khoái, tôi xưng anh em ngọt xớt, chẳng gì cũng được một cô gái trẻ, cao ráo lại xinh xắn, dịu dàng, gọi là anh!
Một hôm có chút việc, tôi ghé phòng cô. Xong việc, tôi nán lại bông phèng đôi câu. Bỗng cô hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Nghe tôi trả lời, cô liền bảo: “Thế thì anh bằng tuổi bố em!”. Chị em trong phòng phá lên cười, riêng tôi có nhẽ cười to nhất, vì thú vị với nhận xét hồn nhiên của cô. Giờ cô đã có chồng và hai con, thi thoảng gặp tôi vẫn trêu: “Anh bằng tuổi bố em!”. Trêu vậy, nhưng chắc chắn cô không biết câu nói của cô đã khiến tôi suy nghĩ, liên tưởng tới nhiều điều.
Hàng nghìn năm trước, Khổng Tử sớm nhận ra vai trò to lớn của gia đình, từ đó ông xác lập các nguyên tắc cơ bản để gia đình có thể vừa tồn tại trong tư cách cộng đồng chung huyết thống, vừa là thành phần cấu tạo nên xã hội. Theo ông, xã hội chỉ có thể yên ổn, giữ được thế quân bình khi mỗi gia đình trong xã hội luôn yên ấm, hòa đồng theo phương châm “Một nhà hòa thuận mới có thể giáo dục cả nước hòa thuận”, hay như sách Đại học viết “Nếu trong một nhà mà mọi người đều nhân hậu, thì cả nước đều nhân hậu. Nếu trong một nhà mà mọi người đều lễ nhượng thì cả nước đều lễ nhượng”. Vì thế, để nhà có gia phong, gia đình luôn hòa thuận, nhân hậu, có lễ nhượng, mọi thành viên phải nhận thức nghiêm túc về danh phận của bản thân, từ đó sống và ứng xử sao cho phù hợp với lễ nghĩa, tôn ti, hiếu thuận, có trên có dưới, yêu thương người trong gia đình, anh chị em đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, anh chị nhường nhịn, thương yêu em, em phải biết nghe lời, lễ phép với anh chị… Và vì coi trọng vai trò của huyết thống nên Nho giáo đồng thời yêu cầu mỗi người không chỉ coi trọng gia đình của mình, mà còn phải coi trọng họ hàng, dòng tộc. Như vậy với Nho giáo, gia đình vừa tồn tại trong các mối gắn kết tộc họ, vừa là tế bào của xã hội được tổ chức, tồn tại có trật tự, kỷ cương, có phép tắc để bảo đảm “cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ”, mọi thành viên trong gia đình có vị trí, vai trò riêng, có trách nhiệm cụ thể, có lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau…
Phải thừa nhận rằng sau hàng nghìn năm, quan niệm, lề lối, phép tắc trong tổ chức gia đình mà Nho giáo xác định vẫn khá ổn định, vì đến hôm nay, về cơ bản mọi gia đình Việt Nam vẫn sử dụng các quan niệm, lề lối, phép tắc đó để tổ chức gia đình, dạy bảo con cái. Và tôi nghĩ, dù có muốn có lựa chọn, bổ sung để làm mới, để hiện đại hóa gia đình như thế nào thì việc tổ chức, giáo dục trong gia đình vẫn không thể đẩy tới tình trạng “cha không ra cha, con không ra con, chồng không ra chồng, vợ không ra vợ”, không thể lơ là lòng hiếu thảo, không thể làm cho các thành viên trong gia đình không biết kính trên nhường dưới, suy giảm tình cảm ruột thịt… Tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập ở đây là với việc coi xã hội là một gia đình lớn, nói cách khác là bằng việc phóng chiếu một số tiêu chí ứng xử trong gia đình vào xã hội, Nho giáo chỉ hướng tới một xã hội yên ổn, luôn ở thế quân bình chứ không tác động để xã hội phát triển. Hệ quả là Nho giáo đã không tạo điều kiện, không tạo cơ hội để xã hội có thể hình thành con người có tư cách là cá nhân, mà chỉ là con người có tư cách cá thể, bị vây bọc, chi phối bởi rất nhiều phép tắc, lễ nghĩa có tính chất gia đình, vì thế nếu không phân định rạch ròi thì trách nhiệm xã hội của con người dễ trở nên mờ nhạt so với trách nhiệm gia đình…
Như việc như xưng hô trong quan hệ xã hội ở Việt Nam chẳng hạn, tưởng chừng là việc bình thường cũng liên quan tới hệ lụy mà Nho giáo đẩy tới. Vì xét đến cùng trong quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ nơi làm việc, khi xưng hô dựa trên các cặp đối xứng: bác - cháu, chú - cháu, anh - em, chị - em, thậm chí bố - con, hoặc gọi cấp trên (đôi khi còn trẻ) là cụ, cũng tức là người ta sẽ ứng xử với các quan hệ này theo các chuẩn mực, tiêu chí lẽ ra chỉ sử dụng trong quan hệ gia đình. Xưng hô như vậy không thể không ảnh hưởng đến sự bình đẳng trong các quan hệ ngoài gia đình khi mỗi người thực hành chức phận xã hội. Một cách tự giác, người tự nhận là cháu - em - con rất dễ thấy mình ở vị trí thấp hơn, từ đó người hiền lành thì gọi dạ bảo vâng, sai gì làm nấy, người cứng cỏi thì hoặc hậm hực “chửi” lại trong đầu, hoặc là phản ứng gay gắt! Còn người bỗng dưng được gọi là bác - chú - anh - chị - bố - cụ thì mặc nhiên thấy mình có tư thế bề trên, thấy mình có quyền mắng mỏ, sai phái, dạy bảo (dù trong một số trường hợp, trí tuệ, năng lực của họ còn kém so với người họ dạy bảo!). Tôi biết nhiều người trẻ quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với người khác không hẳn vì nghĩ ít tuổi hơn, mà từ tác động của lương tri, hảo tâm, ý thức cộng đồng. Tôi cũng biết không ít người lớn tuổi coi việc được gọi là chú bác - anh - chị là hiển nhiên, để rồi thấy người trẻ tuổi xưng tôi thì coi là hỗn, là xấc xược, không tôn trọng người lớn; hoặc sai phái, mắng mỏ, dạy bảo mà bị cháu - em phản ứng thì giở giọng nghiệt ngã: “Trứng khôn hơn vịt!”, “Chưa vỡ bụng cứt đã đòi bay bổng”, hoặc là vặn vẹo “Được mấy tuổi mà tinh tướng!”, “Cậu đóng góp được gì chưa?’, “Chú chỉ bằng con tôi thôi nhé!”, “Cháu tao còn lớn hơn mày!”…
Lại nhớ ngày nọ, nghe bạn bè kể giai thoại vui về nhà thơ A “vặc” lại thủ trưởng của cơ quan anh, tôi ngờ ngợ. Sau gặp nhà văn A tôi hỏi, thì ra là chuyện có thật. Chẳng là hồi đó nhà văn B mới chuyển về làm thủ trưởng của cơ quan nọ. Trong quan hệ hằng ngày, ông thường xưng tớ, gọi anh em là cậu và nhà thơ A không thích kiểu xưng hô này. Thế nên một lần nhà văn B vừa xưng tớ và gọi anh là cậu, nhà thơ A liền trả lời: “Bố tôi tên là cậu đấy!”. Nhà văn B ngớ người và vội vàng xin lỗi. Nhà văn B thì tôi biết và kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách, nên với người khác thì tôi không dám kết luận, riêng với nhà văn B thì tôi tin ông xưng hô như thế chỉ là thói quen dân dã, gần gũi, vậy mà vẫn có thể làm người khác phật ý. Hình như sau lần đó, nhà văn B đã điều chỉnh, bởi nhiều lần trò chuyện, thấy ông xưng mình, gọi tôi là bạn.
Song lấy xưng hô trong gia đình để thay thế xưng hô trong xã hội có phức tạp, đưa tới hệ lụy như thế nào vẫn chưa quan ngại bằng việc nhiều người lại lấy trách nhiệm gia đình thay thế trách nhiệm xã hội. Như ngày nọ, có anh chàng lạ hoắc đến nhà, gọi vợ chồng tôi là cô chú ngọt sớt. Lấy nhau hơn chục năm, tôi cơ bản đã biết anh chị em, họ hàng gần gũi bên nhà vợ, mà khi hỏi anh chàng thì có lẽ phải lấy giấy vẽ cây gia hệ thì may ra tôi mới có thể hình dung con cái nhà nào. Sau vài lần đến chơi, anh chàng ngỏ lời nhờ xin việc ở cơ quan nọ. Quả thật tôi có quen sếp của cơ quan này, nhưng chỉ là quen biết xã giao, xin việc là khó, vả lại tôi cũng không có hứng thú chạy vạy xin xỏ, nên đã từ chối. Từ đó không thấy anh chàng đến chơi, về sau thấy có người bảo tôi là “vô trách nhiệm với họ hàng”! Nghĩ cũng cay mũi nhưng tôi cho qua. Họ hàng gì mà chỉ có việc cần thì mới xuất hiện, nếu không cần, có khi cả đời tôi cũng không biết là ai. Nhưng đó chỉ là việc cá nhân, còn trên thực tế hiện tượng này muôn hình vạn trạng, đến mức có thể khẳng định, để thực hiện trách nhiệm với gia đình và họ hàng, nhiều người đã biến việc làm của họ thành một vấn nạn xã hội. Bởi không biết từ bao giờ tiền nhân đã tổng kết: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, “Con vua thì lại làm vua - Con sãi ở chùa lại quét đa”, hay gần đây Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề cập tình trạng “tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”, “Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”!
Không có gì đáng trách khi quan tâm đến người thân, vun vén và lo toan cho chồng hoặc vợ, cho con cháu, cho người cùng tộc họ một cách nghiêm túc; song nếu thực hiện trách nhiệm bằng sử dụng quyền lực trong cơ quan, đơn vị, hoặc trong xã hội thì người ta sẽ tìm mọi cách, sử dụng mọi thủ đoạn để vun vén, lo toan cho người thân và trên thực tế hệ lụy là khôn lường; mà trước hết là tước đoạt cơ hội phát triển của người có khả năng, chiếm đoạt lợi ích của người khác dành cho người thân, đưa người thiếu năng lực vào vị trí không phù hợp, bao che người thân nếu phạm lỗi, kéo bè kéo cánh nhằm lũng đoạn…
Như vậy, nếu ứng xử gia đình trở thành tiêu chí ứng xử xã hội có thể đem lại một số ý nghĩa tích cực, góp phần xây dựng sự cân bằng, củng cố mối liên kết bền vững giữa các thành viên xã hội, thì lạm dụng những tiêu chí ứng xử này trong tổ chức, quản lý xã hội lại có khả năng phá vỡ, triệt tiêu ý nghĩa tích cực mà ứng xử gia đình có thể mang lại cho xã hội. Như vậy, nếu thực sự muốn xây dựng một xã hội bình đẳng, dân chủ, mọi người đều có cơ hội ngang nhau trong sự tiến thân, được hưởng các quyền và lợi ích chính đáng,… thì một trong các vấn nạn cần giải quyết là phải loại trừ tình trạng lạm dụng quan hệ gia đình để phục vụ cho lợi ích ích kỷ, hẹp hòi.
NH - 9.2018