Xuất bản sách giáo khoa: Có còn độc quyền?
Tình trạng độc quyền sách giáo khoa sẽ được xóa bỏ khi có 5 Nhà xuất bản thực hiện in ấn, xuất bản.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời câu hỏi của báo chí. (Nguồn: VGP).
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, ngày 1/10, trước quan tâm của dư luận về việc vừa qua Uỷ ban Văn hoá, giáo dục và thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội có báo cáo chỉ ra rằng tình trạng độc quyền sách giáo khoa (SGK) nhiều năm nay đã gây ra rất nhiều hệ luỵ và việc viết trực tiếp vào SGK sẽ gây lãng phí.
Bên cạnh đó, trong khi Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục nói rằng mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng nhưng giữ mức chiết khấu 25%, tức là mỗi năm khoảng 250 tỷ đồng,
Ông Nguyễn Hữu Đô cho biết, Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội khóa X giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn bộ tài liệu SGK mới. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã quyết định thành lập nhóm biên soạn SGK, tổ chức biên soạn và cần Hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định. Sau đó, NXB sẽ tổ chức biên tập, chỉnh sửa, in ấn.
Qua quá trình tổ chức, NXB đều đã tổ chức đấu thầu in ấn. NXB đã chia ra làm 4 khu vực để tổ chức in ấn, xuất bản và cung cấp sách cho địa phương để giảm chi phí luân chuyển sách. Vì vậy, vừa qua Bộ TT&TT đã có quyết định, thông báo chính thức giao quyền cho 5 NXB tổ chức in ấn SGK. Sắp tới việc xoá độc quyền sẽ được thực hiện khi đã có 5 NXB thực hiện in ấn SGK. Theo đó, cũng huy động nhiều nguồn lực xã hội hoá để tổ chức biên soạn SGK.
Về mức chiết khấu, theo báo cáo của NXB, ban đầu thì có thể là 20-25%, nhưng chính thức là 18-20%, trong đó chiết khấu chính là vận chuyển, phát hành sách từ nhà in thông qua các Công ty Sách và Thiết bị trường học ở các địa phương… Mức chiết khấu này không cao so với sách tham khảo, sách hướng dẫn là 30-35%.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, quản lý sách là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT .
Tại phiên họp Chính phủ cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình và có giải pháp khắc phục về vấn đề được người dân, xã hội quan tâm.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm sao việc in ấn, xuất bản sách giáo khoa phải minh bạch, công khai, làm tốt công tác xã hội hóa, tránh độc quyền, lợi ích nhóm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng đã chỉ đạo rõ ràng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải thực hiện tốt vấn đề trên và chuẩn bị trả lời chất vấn nếu Quốc hội, cử tri quan tâm.