Có đồng thuận, có nông thôn mới
Về xóm 3, xã Hải Phương (Hải Hậu-Nam Định), ngắm nhìn những ngôi nhà khang trang, ruộng vườn xanh cây lá và đi trên những con đường được trải bê tông rộng rãi, hoa mười giờ thi nhau khoe sắc... thấy rõ tình yêu, sự gắn bó của người dân nơi đây với làng quê.
Ông Trần Văn Ngạn từng vinh dự được UBTƯ MTTQ Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Sức mạnh từ cộng đồng, gắn bó
Trò chuyện với ông Trần Văn Ngạn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận (CTMT) xóm 3 chúng tôi cảm nhận ở ông sự mộc mạc, chất phác, nhất là sự hòa đồng, vui vẻ-tính cách thường thấy ở những cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở, cũng là điểm chung của nhiều cán bộ,người dân huyện ven biển Hải Hậu. Hỏi ra mới biết, chưa đến 50 tuổi nhưng ông Ngạn đã có đến 14 năm làm công tác Mặt trận...
Ông chia sẻ, xóm 3, rộng hơn là huyện Hải Hậu xưa thuộc đất Quần Anh, nơi hơn 500 năm trước “tứ tính, cửu tộc” (4 ông tổ, 9 dòng họ) từ bên kia sông Ninh Cơ đến làm nơi sinh cơ, lập làng mới. Đi mở đất, cha ông phải đối mặt với bao khó khăn ở nơi vốn chỉ có bùn lầy, hoang hóa, phía trước là biển cả. Để vượt qua, không có cách nào khác phải “chung lưng, đấu cật”. Tinh thần, truyền thống đoàn kết từ đó mà hình thành, lưu truyền, lan tỏa. Đến nay, người dân xóm 3 vẫn giữ vẹn nguyên những phẩm chất quý báu của cha ông-những người đi mở đất: hiền hòa, cần cù, với tinh thần cộng đồng, gắn bó...
Theo ông Ngạn, xây dựng xóm làng là cả một quá trình nhưng gần 10 năm qua-kể từ khi bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là quãng thời gian cán bộ, người dân trong xóm thể hiện rõ nhất tinh thần đoàn kết, qua đó làm thêm được nhiều việc chung cho xóm làng, cũng là cho mỗi người, mỗi nhà trong xóm.
Trong câu chuyện, ông Ngạn chia sẻ, xây dựng NTM liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của nhiều người. Trong khi nhận thức của mỗi người không giống nhau. Muốn thực hiện hiệu quả, cần nhất sự đồng thuận. Để đạt được điều này phải có sự lãnh đạo, có kế hoạch thực hiện bài bản.
Theo đó chi bộ xóm phải họp bàn, quán triệt nghị quyết, chỉ đạo chung của cấp trên; ra nghị quyết lãnh đạo; xây dựng phương án cụ thể. Đặc biệt, Ban CTMT, các đoàn thể phải tổ chức nhiều cuộc họp bàn, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Nguyên tắc thực hiện là phải đảm bảo, phát huy dân chủ, mọi việc chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của số đông.
“Ai, hộ nào chưa thông hiểu về chủ trương, mục đích, ý nghĩa, phương châm, cách làm NTM, cán bộ, đảng viên phải bằng cách này, cách khác tuyên truyền, giải thích để bà con thông hiểu. Quá trình thực hiện cán bộ xóm như chúng tôi phải gương mẫu thực hiện trước”- ông Ngạn nói.
Làm từ đồng về xóm
Đưa chúng tôi ra thăm đồng, ông Ngạn cho biết, phương châm xây dựng NTM của xóm là “làm từ đồng về xóm”. Vậy nên, ngay từ năm 2011, xóm đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, qua đó giảm số thửa canh tác của mỗi hộ từ 5-6 thửa/hộ xuống chỉ còn từ 1-2 thửa/hộ. Nhân việc đồn điền, đổi thửa, xóm vận động nhân dân hiến, góp đất để thực hiện mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu.
“Sau dồn điền, đổi thửa đồng đất của xóm được quy hoạch theo vùng sản xuất; bà con thực hiện sản xuất đồng trà, đồng giống; mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên chân ruộng hai lúa. Sức lao động của bà con sau dồn điền, đổi thửa cũng được giải phóng vì ruộng đất được tập trung, không còn manh mún. Đơn cử, bà con giờ không còn phải cấy nữa mà chuyển sang gieo sạ. Các khâu làm đất, thu hoạch máy móc thay người đảm nhiệm, nhờ vậy bà con có thời gian làm thêm một số ngành nghề, dịch vụ để có thêm thu nhập”- ông Ngạn phấn khởi.
Cũng từ sự đồng thuận, sau “việc đồng”, phát huy nội lực, bà con xóm 3 còn tự nguyện đóng góp kinh phí, qua đó đổ bê tông, mở rộng 2,8 km đường dong xóm theo tiêu chí đường NTM (rộng trên 3m); xây, sửa, nâng cấp 5 cầu; làm 1,8 km rãnh thoát nước…, với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ đồng.
Để tạo cảnh quan “Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp”, Ban CTMT, các tổ chức đoàn thể trong xóm vận động, tổ chức cho người dân trồng hoa hai bên đường; làm vệ sinh môi trường vào chủ nhật hằng tuần; lập tổ thu gom rác thải, thực hiện thu gom 3 lần/tuần; đóng góp duy trì hệ thống điện chiếu sáng.
Mới đây, bà con còn đóng góp kinh phí nâng cấp nhà văn hóa xóm, mua sắm thêm bàn ghế, trang thiết bị với tổng kinh phí trên 160 triệu đồng. Hưởng ứng vận động của Ban CTMT, nhân dân trong xóm, con em xa quê còn quyên góp xây dựng được một tủ sách trên 250 cuốn; trang bị cả máy tính nối mạng internet phục vụ nhu cầu học tập, tiếp cận thông tin của người dân.
“Vui nhất là con em trong xóm không ai mắc tệ nạn xã hội, nhất là mắc nghiện ma túy. Mọi người, mọi nhà đều chăm chỉ, chí thú làm ăn. Đã thành nếp, ban ngày đi làm, tối về bà con lại tập trung ở nhà văn hóa xóm giải trí bằng các hoạt động thể thao, tập dưỡng sinh, đọc sách báo. Ngày lễ, nhất là Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư thì không bao giờ thiếu tiết mục liên hoan văn nghệ. Xóm làng nhờ vậy lúc nào cũng quần tụ, yên vui”- ông Ngạn cho biết.
Được hỏi về vai trò cá nhân của mình, ông Ngạn trải lòng: “Vừa là Bí thư Chi bộ vừa là Trưởng ban CTMT nên trách nhiệm của tôi lớn hơn. Trước mỗi việc chung của xóm, nhất là chủ trương xây dựng NTM phải cùng tập thể chi bộ họp bàn, đưa ra được chủ trương sao cho đúng đắn, phù hợp, có tính khả thi, vừa phải chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền ra sao, vận động thế nào để bà con thấy được mục đích, ý nghĩa cũng như lợi ích, từ đó đồng thuận, đóng góp trí tệ, công sức, tiền bạc thực hiện. Kiêm nhiệm cả hai chức danh nên chủ trương chung của chi bộ thế nào tôi và các thành viên khác trong Ban CTMT đều nắm rõ, dễ vận dụng trong tuyên truyền, vận động cũng như tổ chức cho bà con thực hiện”.
Ông Ngạn không nói nhưng tìm hiểu chúng tôi được biết, với tâm huyết, trách nhiệm và với nhiều đóng góp âm thầm nhưng hiệu quả cho cộng đồng làng quê của mình trong vai trò là Trưởng Ban CTMT khu dân cư xóm 3, ông từng được UBTƯ MTTQ Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
“Hiện bà con xóm 3 chúng tôi đang tập trung thực hiện mô hình NTM kiểu mẫu “Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp” theo đề án chung của huyện Hải Hậu, với các nội dung chủ yếu là: “Đường có điện có hoa, nhà ở có khuôn viên, có vườn kiểu mẫu; sông không có rác, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận. Với truyền thống đoàn kết, đồng thuận, chúng tôi tin mình sẽ thành công” - ông Ngạn chia sẻ.