Nâng cao vai trò công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Gianh Lam 02/10/2018 06:32

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm qua luôn đạt 100% kế hoạch.

Nâng cao vai trò công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Lớp may công nghiệp tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, Cần Thơ.

Ngay từ đầu năm, huyện Phong Điền đã kiện toàn Ban chỉ đạo đề án và tổ chức triển khai, đôn đốc việc thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch và các hoạt động của đề án trên địa bàn. Hàng năm đều tiến hành khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chú trọng dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện chính sách ưu đãi như người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật...

Nhiều năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phong Điền đã đưa vào sử dụng có hiệu quả các ngành nghề như tin học, may công nghiệp, điện dân dụng, sửa xe gắn máy, xây dựng...Trên địa bàn huyện hiện có 23 mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, với gần 1.300 thành viên.

Ông Châu Yến Anh - cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phong Điền cho biết, đầu năm đến nay Trung tâm đã tổ chức khai giảng 14/14 lớp, với gần 500 học viên, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, có 7 lớp nông nghiệp (kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái) và 7 lớp phi nông nghiệp (may gia dụng, đan dây nhựa, nề). Thời gian qua, Trung tâm còn chủ động và phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện giới thiệu việc làm cho các học viên sau khi được đào tạo, mục tiêu của các lớp học nghề là 80 - 85% học viên có việc làm ổn định sau khi học nghề.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phong Điền hiện có 27 công chức, viên chức và nhân viên, trong đó có 13 giáo viên cơ hữu. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu của Trung tâm đều đạt chuẩn. Các chương trình, giáo trình dạy nghề được rà soát xây dựng mới, đảm bảo nguyên tắc từ 70 - 80% thời lượng thực hành. Trung tâm đã biên soạn được 15 chương trình và 15 giáo trình bao gồm các nghề như chăn nuôi thú y, đan đát, chằm nón, kết cườm, đan dây nhựa, trang điểm, may công nghiệp, may gia dụng, tin học ứng dụng, điện dân dụng, nấu ăn...

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền, qua công tác kiểm tra, giám sát các lớp nghề cho thấy các giáo viên dạy nghề có trình độ sư phạm tốt, có giáo án và phương pháp giảng dạy dễ hiểu, học viên tiếp thu nhanh; chính sách hỗ trợ cho người học cũng được thực hiện đầy đủ. Dự kiến năm 2019 sẽ có 10 lớp đào tạo cho 350 lao động nông thôn, trong đó có 5 lớp phi nông nghiệp (lái xe, may, du lịch) và 5 lớp nông nghiệp (kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái). Trên cơ sở các mô hình hoạt động có hiệu quả, xây dựng thêm các mô hình mới như trồng sầu riêng, cam xoàn, du lịch miệt vườn...

Bà Ngô Kim Phụng - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Phong Điền cho biết: Mặc dù còn một số khó khăn như mức hỗ trợ cho người học còn thấp, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tham gia học nghề còn ít, vấn đề bao tiêu sản phẩm...Tuy nhiên, sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương, ý thức của người dân về công tác đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, nền kinh tế huyện ngày càng phát triển, hàng năm có điều tra cung - cầu lao động... Tất cả cho thấy trong thời gian tới công tác đào tạo nghề sẽ đạt nhiều hiệu quả cao hơn, vận động học viên ra lớp đạt chỉ tiêu, kết quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề trên 80% và gắn kết với nhiều đơn vị tuyển dụng lao động, bao tiêu sản phẩm, nhằm tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Gianh Lam