Gian nan 'giữ lửa'

Minh Quân 02/10/2018 06:54

Gặt hái thành công tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, nhưng các tài năng trẻ của dòng âm nhạc cổ điển ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn để theo nghề.

Gian nan 'giữ lửa'

Đặng Khánh Linh thể hiện bản “Panis angelicus” theo phong cách opera với chất giọng nữ cao. Nguồn: dantri.vn.

Giới âm nhạc Việt Nam không khỏi bất ngờ khi được tin cô bé 7 tuổi Trần Băng Tâm đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi tài năng American Protege, tổ chức tại New York (Mỹ). Mới đây tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức cuối tháng 7/2018 tại Singapore, 2 đại diện Việt Nam là Đặng Khánh Linh với giải Vàng và Phạm Yến Nhi nhận giải Bạc. Cả hai đang theo học trung cấp 2 Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Cũng tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương, ở bảng thi dành cho những thí sinh không chuyên từ 14 tuổi trở xuống, cô bé Đào Diễm Quỳnh (14 tuổi) cũng đã giành được giải Vàng.… Tuy nhiên, với những thành công của những cậu bé, cô bé mới tuổi lên 7, lên 8 cũng đặt ra vấn đề về khâu “hậu đào tạo”, những tài năng âm nhạc Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển thế nào ngay tại Việt Nam?

Có một thực tế ở nước ta, số đơn vị có khả năng tổ chức những chương trình hòa nhạc chất lượng cao chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, như các Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; các Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngay cả các đơn vị này không phải đều có nhà hát riêng để luyện tập, biểu diễn.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thừa nhận, tuy dòng âm nhạc hàn lâm được chăm chút đầu tư của giới chuyên môn, nhưng vẫn lặng lẽ, khiêm nhường và chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng vốn chỉ biết nhiều đến loại hình ca hát giải trí. Do đó, các cơ quan chuyên môn và quản lý cần có chính sách phát triển mặt bằng âm nhạc một cách hài hòa, có kiểm soát và ưu tiên phát triển các loại hình âm nhạc có giá trị nghệ thuật.

Thực tế hiện nay hệ thống giáo dục nước ta chưa quan tâm đến việc đào tạo lớp công chúng có kiến thức cơ bản về âm nhạc để thưởng thức các tác phẩm hòa nhạc chất lượng cao. Bởi thế, không phải ai cũng sẵn sàng bỏ thời gian và tiền bạc để đến với loại hình nghệ thuật mình ít hiểu biết.

Thậm chí, sau những thành công của các tài năng âm nhạc chính những người đào tạo cũng phải thừa nhận thành công của các tài năng trẻ là bởi họ có một hậu phương vững chắc. Các em phần nhiều được hậu thuẫn bởi những “mạnh thường quân” là chính người cha, người mẹ các em. Thậm chí, nhiều tài năng âm nhạc được vinh danh hầu hết đã và đang được đào tạo tại nước ngoài.

Là người trực tiếp “ươm mầm” những tài năng âm nhạc cổ điển, GS.TS Ngô Văn Thành cho rằng, hệ thống đào tạo và cơ chế của các đơn vị đào tạo đã không đáp ứng được yêu cầu đào tạo tài năng trong giai đoạn mới hiện nay. Cho đến nay, cả nước chỉ có vài nhạc viện lớn vẫn kiên trì đào tạo tài năng ở một số lĩnh vực nghệ thuật nhất định. Hầu hết quy mô đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp bị thu hẹp dần, chỉ còn được duy trì một cách “đối phó”, khiến chất lượng nguồn nhân lực cũng suy giảm dần. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng rất lúng túng khi bị chi phối bởi cơ chế thị trường, hoặc “bất đắc dĩ” phải chạy theo cơ chế thị trường, không có cơ chế tự chủ rõ ràng để có thể mạnh dạn xây dựng những khung chương trình theo chuẩn quốc tế.

Minh Quân