Đắk Lắk: Nông dân bỏ tái canh cây cà phê
Theo kế hoạch, mùa mưa năm nay các hộ nông dân ở Đắk Lắk sẽ trồng tái canh 4.259 ha cà phê, nhưng đến nay đã gần hết mùa mưa các hộ chỉ mới trồng tái canh được gần 50% kế hoạch diện tích. Nguyên nhân vì sao mà bà con nông dân lại thờ ơ với một cây trồng chủ lực như vậy?
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN.
Cây cà phê vốn là cây trồng chủ lực ở Đắk Lắk, chiếm hơn 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày và 33% tổng diện tích gieo trồng của tỉnh. Nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung các nguồn lực khai thác tốt tiềm năng đất đai để phát triển cây cà phê, đưa Đắk Lắk trở thành thủ phủ cà phê của cả nước. Nhiều hộ dân nhờ cây cà phê đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình đình ông Nguyễn Văn Chúc (ở thôn Tân Phú, xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar).
Với trên 3 ha đất canh tác, ngoài 1.000 cây cà phê, ông còn trồng xen canh nhiều loại cây như: tiêu, bơ và sầu riêng. Cách làm này vừa có tác dụng che nắng, chắn gió, giữ ẩm cho cây trồng chính, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Hiểu được việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt có lợi thế nào, ông Chúc luôn chủ động tìm hiểu các tiến bộ kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng, tích cực tham gia các buổi tập huấn, hội thảo do Hội Nông dân xã tổ chức để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình nên vườn cây hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao. Trong 700 cây cà phê và 700 trụ tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh, bình quân mỗi năm gia đình ông thu được 2,5 – 3 tấn cà phê và 2 tấn tiêu.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, ngành hàng càphê, hồ tiêu của tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động trực tiếp và hơn 100.000 lao động gián tiếp đóng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, củng cố quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng đối với cây càphê, Đắk Lắk chiếm 40% diện tích càphê của cả vùng Tây Nguyên và 30% diện tích càphê của cả nước, với sản lượng trên 450.000 tấn càphê nhân/năm.
Thế nhưng, người nông dân trồng cà phê cho biết, thời gian gần đây, cùng với thời tiết khô hạn, thiếu nước tưới khiến cây cà phê giảm năng suất thì giá cà phê nhân, hồ tiêu ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang đua nhau rớt giá khiến các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê, hồ tiêu càng thêm nhiều khó khăn. Cụ thể, cà phê nhân chỉ còn từ 33.500-33.700 đồng/kg, giảm nhiều nhất so từ đầu niên vụ đến nay; giá tiêu đen cũng giảm xuống chỉ còn 49.000 đồng/kg, gần ngang với giá thành sản xuất, giảm thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo các đơn vị chức năng, một trong những nguyên nhân làm cho giá cà phê nhân, hồ tiêu giảm giá mạnh là do các nông hộ đầu tư mở rộng diện tích cà phê, hồ tiêu một cách ồ ạt, không theo quy hoạch, kế hoạch làm cho nguồn cung dồi dào, trong khi đó nhu cầu không tăng. Ngay tại Đắk Lắk, theo quy hoạch, đến năm 2020 diện tích cà phê có 190.000ha và 6.000ha tiêu nhưng hiện nay, diện tích cà phê đã tăng lên trên 204.000ha, diện tích tiêu 42.560ha. Thậm chí, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không kiểm soát được việc tăng ồ ạt diện tích hồ tiêu, cà phê.
Việc sản phẩm cà phê nhân, hồ tiêu giảm giá sâu, trong khi đó, giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thuê mướn lao động… tăng cao đã khiến cho các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê, hồ tiêu ở Đắk Lắk hạn chế đầu tư bón phân, chăm sóc cho vườn cà phê, hồ tiêu.
Bởi vậy, mặc dù hiện Đắk Lắk đang vào thời điểm gần cuối mùa mưa, nhưng nhiều vườn cà phê kinh doanh cho thu hoạch trong niên vụ này chỉ mới bón 2 đợt phân, với lượng phân bón NPK chuyên dụng cũng giảm hơn, công đầu tư chăm sóc cũng hạn chế hơn để giảm bớt lỗ…Nhiều hộ nông dân đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích định tái canh cây cà phê sang trồng bơ, sầu riêng do hiện đang có giá cao.