Cá linh mùa nước nổi
Mùa nước nổi được ví như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của miền Tây Nam Bộ với cánh đồng nước mênh mông, hoa điên điển vàng rực dưới nắng cùng đó là những đàn chim bay rợp trời. Đặc biệt hơn, mùa nước về theo những con nước đục ngầu phù sa là từng đàn cá linh lấp lánh như sản vật trời đất ban tặng bà con vùng đất chín rồng này.
Lẩu cá linh và hoa điên điền.
Bắt đầu từ ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông MeKong ở Campuchia đổ về miền Tây. Đây cũng là mùa mưu sinh của rất nhiều người dân sống bằng nghề đánh bắt cá. Ven các bờ sông rạch người dân đánh bắt cá linh bằng vó, chài, vợt, lưới thả, lưới giăng. Trên mỗi khoang thuyền, những mẻ cá lấp lánh đã mang lại niềm vui ấm no cho bao người dân sống nhờ vào con nước.
Cá linh đầu mùa được xem là ngon, ngọt thịt nhất, chỉ bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Cá linh sữa xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy, cá đánh bắt nhiều, sau khi bán, nhiều nhà bớt lại vài chục ký để ủ làm mắm. Người dân ở miệt Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang) có nghề làm nước mắm cá linh và các loại cá đồng rất nổi tiếng. Cá linh ủ càng lâu, mắm càng ngon. Mắm ở Châu Đốc có vị hơi ngọt đặc trưng của Nam Bộ nhưng lại khá mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng, đặc biệt vào những ngày mưa.
Cùng với mắm cá linh thì cá tươi nướng kẹp que tre ăn với rau cải chấm mắm tỏi, hay cá linh kho rim với mía hay nước cốt dừa đều rất tốn cơm. Vị béo ngậy của cá quyện với vị thơm ngọt của dừa khiến món ăn dân dã này trở nên khác biệt và khó quên.
Ngoài ra, từ lâu cá linh và hoa điên điển đã làm nên một đặc sản nức tiếng miền Tây Nam Bộ. Đó chính là lẩu cá linh - món ăn được nhắc nhiều nhất khi mùa nước nổi về.
Cách chế biến món lẩu cá linh rất đơn giản. Những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch, để ráo rồi ướp tiêu, đường, gia vị. Nước lẩu gồm nước ninh xương heo thật nhừ, lọc nước trong, chế thêm nước của một trái dừa tươi, chút nước mắm ngon, đường, ít me dầm rồi nêm nếm sao cho vừa ăn. Bông điên điển hái xuống còn tươi rói, cùng với bông súng, rau nhút rửa sạch, để ráo nước. Cá linh rất dễ chín nên khi bắt đầu ăn, mới cho cá vào nồi nước lẩu đang sôi, khi nồi nước sôi lại thì cho các loại rau vào và thưởng thức.
Vị ngon của món ăn này là nhờ vị chua của me, ngọt của dừa, giòn của bông súng kèm hương vị quen mà lạ của bông điên điển, cùng vị ngọt béo của cá linh. Những con cá linh ngọt béo, xương mềm như tan ngay trong miệng. Người ta làm một bát nước mắm chất, thêm chút chanh ớt để chấm cá linh. Ở Châu Đốc, lẩu cá linh bông điên điển được bán nhiều trong các nhà hàng, quán ăn trên đường Trưng Nữ Vương, với giá 100.000 đồng một nồi lẩu nhỏ, 220.000 đồng một nồi lẩu lớn.