Người Phú Yên trồng rừng
Phú Yên - một tỉnh Nam Trung Bộ nơi nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, bờ biển đẹp, với cánh đồng lúa Tuy Hòa bát ngát... cũng là địa phương có diện tích rừng lớn- nơi cư trú của nhiều cộng đồng bà con dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, từ chính sách trồng rừng kinh tế và chế biến gỗ rừng trồng, đời sống bà con đổi thay.
Ươm giống cây để phát triển rừng ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Toàn tỉnh Phú Yên có tổng diện tích tự nhiên 502.342ha, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 297.909ha. Để bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020: “Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất quy hoạch lâm nghiệp”, trong đó diện tích quy hoạch cho 3 loại rừng là 250.000ha.
Triển khai chủ trương đó, tới nay tỉnh đã hoàn thiện việc giao rừng và đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể hơn, các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở tạo điều kiện thuận lợi về quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng có hiệu quả. Tiến hành khảo sát, điều tra thực địa, chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng nên cây trồng sinh trưởng tốt, bảo đảm độ che phủ, phát triển bền vững.
Đáng chú ý, các vùng quy hoạch trồng rừng gắn với trục đường liên thôn, liên xã thuận lợi giao thông, vận chuyển, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tỉnh cũng đã “kéo” các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật vào cuộc, các doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư.
Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh Phú Yên trồng được 24.944ha rừng, bình quân mỗi năm trồng gần 5.000ha rừng. Trong đó, trồng rừng phòng hộ và đặc dụng hơn 2.000ha; trồng rừng sản xuất gần 23.000ha. Giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên có hỗ trợ từ ngân sách, từ các chương trình dự án 24.25ha; khoanh nuôi thành rừng hơn 2.000ha; khai thác gỗ rừng trồng thay thế nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên hơn 123.000m3. Quan điểm của Phú Yên là bảo vệ rừng cũng là bảo vệ một hệ sinh thái luôn phát triển, bảo đảm khả năng tái tạo và sử dụng rừng một cách tối ưu. Chủ trương ấy không chỉ được quán triệt trong hệ thống chính trị của tỉnh, mà đã thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi từ rừng.
Để người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số thực sự sống được bằng nghề rừng, giảm sức ép lên rừng tự nhiên, tỉnh Phú Yên xác định doanh nghiệp là mắc xích quan trọng trong chuỗi hình thành từ phát triển rừng đến bảo vệ rừng và lợi nhuận hợp pháp từ rừng. Doanh nghiệp phối hợp với chính uyền địa phương, phối hợp với người dân trong việc phát triển, khai thác nguồn lợi của rừng. Nhiều bà con đã nhận khoán từ doanh nghiệp, vừa là nông dân vừa là công nhân, thu nhập ổn định hàng tháng. Năm 2017, trên cơ sở quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng kinh tế được phê duyệt, các doanh nghiệp được tỉnh giao đất trồng rừng đã hình thành được vùng nguyên liệu với gần 13.000ha. Theo thống kê, các doanh nghiệp tham gia trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương trong vùng nguyên liệu, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đời sống một cách bền vững.
Trong bối cảnh rừng tự nhiên đã đóng cửa thì trồng rừng, phát triển kinh tế rừng, khai thác chế biến gỗ rừng trồng là hướng đi phù hợp của một tỉnh như Phú Yên có đến 3/4 diện tích đất rừng.
Bài học giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo ở đây là: chủ trương đúng + sự vào cuộc của chính quyền địa phương + đầu tư của doanh nghiệp + ý thức của người dân được nâng lên.