Xung trận, toàn những nhà chuyên nghiệp

Đại tá Rim Alexandrovich Kazakov (Đăng Bẩy chuyển ngữ) 05/10/2018 10:15

Đánh giá công việc của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, tôi dám khẳng định: tất cả chúng tôi là những nhà chuyên nghiệp chính cống trong công việc của mình và đã cất công tìm được các phương pháp hữu hiệu hơn cả trong cuộc đấu tranh chống một đối thủ kém chuyên nghiệp hơn.

Xung trận, toàn những nhà chuyên nghiệp

Những bài toán khó

Ở chức trách sĩ quan điều khiển, tôi trực tiếp tham gia đánh máy bay Mỹ trong đội hình trung đoàn 260 Bryansk trong năm 1966, đã phóng 43 quả tên lửa, tiêu diệt 25 máy bay địch. Kết quả khá cao. Nhưng sẽ sai lầm nếu đánh giá kết quả đó từ góc độ số học thuần túy, bởi vì đối chiếu với số lần oanh tạc của bọn Mỹ, ta khẳng định tính chuyên nghiệp cao của chiến sĩ tên lửa...

Không tính đến thời gian kha khá ở chức trách sĩ quan điều khiển và có kinh nghiệm bắn ở thao trường, tôi vừa huấn luyện vừa tự học thêm, bởi vì chúng tôi được trang bị tổ hợp tên lửa đời cũ, mà thực tế lại phong phú khôn lường: từ điều kiện thời tiết ngặt nghèo đến trình độ không xoàng của bọn phi công Mỹ...

Dùng tên lửa phòng không là tước đi khả năng sử dụng máy bay ở tầm trung và tầm cao. Chiến thuật của chúng chuyển xuống bay ở độ thấp và siêu thấp, không quá 2.000 mét. Trong điều kiện núi non hiểm trở, radar cực kỳ khó bắt, trên màn hình, mục tiêu chỉ hiện mong manh hoặc biến mất. Không còn được dẫn dắt để bắn trúng mục tiêu, trên nền cảnh vật địa phương dễ tưởng mục tiêu biến mất, mà sửa sai trong điều kiện khan hiếm thời gian có khác nào bỏ bắn. Trong điều kiện như thế, quan trọng là phải bình tĩnh, duy trì tốc độ chuyển dịch antenne và mục tiêu sẽ lại hiện lên. Phải chộp ngay mục tiêu và đảm bảo độ chính xác cần thiết khi phóng.

Hệ thống MARU (tự động điều chỉnh tăng tốc tức thời) giảm mức độ nhiễu đáng kể, nhưng dẫu sao cũng còn những biểu hiện lạc hậu. Toàn bộ đều thao tác bằng tay thì không thể nói là tự động.

Nhiễu thực tế khác, phức tạp hơn nhiễu giả tạo, tách mục tiêu trên nền nhiễu là điều không thể. Kết quả là, trong điều kiện chống nhiễu, không phóng được quả nào – tần số dự phòng ở tổ hợp không có sẵn.

Đấu tranh với tên lửa phòng không, bọn Mỹ sử dụng rộng rãi loại tên lửa không đối đất Shrike, đi theo tia phóng lên từ trạm. Do kích thước nhỏ nên phát hiện nó là không thể. Chỉ có cơ hội duy nhất phát hiện được là thời tiết thuận lợi khi nó phóng cách màn hình 5 km và trong thời gian ngắn, ta thay đổi sóng và hình thức đánh đấu mục tiêu theo dõi. Nếu Shrike phóng đi từ máy bay hộ tống, thì nhiệm vụ của sĩ quan điều khiển là phải bắt kịp tốc độ của tên lửa (mà Shrike thì bay nhanh hơn) và phối hợp đẩy nó ra khỏi mục tiêu, phải quyết định bỏ theo dõi mục tiêu hay tiếp tục đưa tên lửa gặp mục tiêu. Bởi vì khi bay, Shrike vô hình, nên bài toán đó phải giải bằng linh cảm, đôi khi dẫn đến trường hợp đáng tiếc.

Làm việc trong chế độ phát hiện và bám sát mục tiêu khi phát sóng antenne trong thời gian dài dễ bị Shrike phát hiện. Cho nên, để an toàn, thỉnh thoảng chúng tôi buộc phải buông mục tiêu một lúc, chuyển hướng antenne sang một bên, để máy phát chuyển sang chế độ tương đương nhằm đánh lừa Shrike. Tuy Shrike có bộ nhớ, nhưng phương pháp đơn giản đó đảm bảo cho tổ hợp sống sót.

Chắc chắn tất cả những việc đó làm giảm khả năng chiến đấu của chúng tôi, nhưng thiếu chúng thì mọi chuyện thành công cốc. Đấy là những yếu tố mà bộ phận tính toán phải gặp.

Hiệp đồng tác chiến

Vậy là những phương pháp kẻ địch dùng để chống ta không chỉ gây khó dễ cho tiểu đoàn thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, mà còn giảm đi đáng kể xác suất trúng mục tiêu, điều đó đòi hỏi chúng tôi phải điều chỉnh hành động. Nói vắn gọn, trong điều kiện rất thiếu thời gian, đồng thời tạo ra khan hiếm thời gian tương ứng cho phi công địch đối phó... Chúng tôi dựa vào châm ngôn đúng đắn của “Yêu cầu khi tác chiến” mà đỉnh cao nghệ thuật là phát hiện địch sớm và tiêu diệt chúng...

Nhưng trên thực tế, việc diệt mục tiêu ở đường viền vùng sát thương lại khó, vì máy bay đột ngột quay ngoắt 180° và trong giây lát vượt khỏi vùng sát thương, hay nói chung là chúng không vào đó. Cách khác – cho máy bay vào sâu trong vòng sát thương - đôi khi cũng hỏng, trong trường hợp đó máy bay tăng tốc tối đa vượt qua ranh giới của vùng sát thương gần nhất mà tên lửa ta chưa đi vào quỹ đạo. Kết quả, việc lên sóng là có căn cứ và đủ để phát hiện mục tiêu rồi chuyển giao nó ở tầm xa không quá 40 km.

Nhiệm vụ của sĩ quan điều khiển khi đó là chọn thời điểm phóng, đảm bảo tên lửa gặp mục tiêu trong giới hạn vùng sát thương đã thu hẹp đáng kể.

Phản xạ của phi công khi tên lửa phóng đi cho thấy nó nhận được tín hiệu khi phóng, dẫn ta đến ý nghĩ có phần phiêu lưu là bật antenne truyền lệnh tới tên lửa ở chế độ phát sóng mà không phóng đi. Tất nhiên, những thao tác như thế ta chỉ làm trong hoàn cảnh bắt buộc, khi không thể bắn hoặc bắn không hiệu lực vì những lý do nào đó.

Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh là công tác chiến đấu diễn ra trong khí hậu nhiệt đới rất phức tạp. Nó không chỉ là hàng giờ ngồi trong cabine, nơi nhiệt độ lên tới +70oC, do đó khí tài thường hỏng hóc, gây thêm trách nhiệm và căng thẳng cho bộ đội tính toán. Giấc ngủ tương đối bình thường của chúng tôi không quá 4 giờ.

Một trong những nhiệm vụ là chúng tôi sang Việt Nam để chuẩn bị các tính toán tác chiến cho quân đội Việt Nam. Hơi nghi ngờ về trình độ văn hóa chung của bộ đội, tốc độ lĩnh hội cũng tự nhiên chịu ảnh hưởng của rào chắn ngôn ngữ. Song, rất may là các đồng chí Việt Nam lĩnh hội thành công thứ vũ khí kề bên. Có được vốn tiếng Việt cần thiết, bên cạnh việc tính toán thực tế, chúng tôi còn thường xuyên sử dụng những khí tài mô hình trong huấn luyện. Cùng vượt qua ngáng cản tâm lý – tôi ấn nút “phóng”, sĩ quan điều khiển Việt Nàm ấn tiếp sau khi tên lửa phóng đi, hình như đôi khi tôi không phân biệt về chuyện đó.

Cuối cùng, tôi xin nói về mình. Tôi không nghĩ mình có thể quen với hiểm nguy ở mức độ như thế. Cảm giác nguy hiểm đến gần rất khác nhau – khi mình mải mê làm việc trong hoàn cảnh, khi chứng kiến rocket-bom sau trận oanh kích, khi mải lo cho những người bị thương mà không biết thông tin về xung quanh, khi tốp máy bay ập đến ngay trên đầu mình nhưng ở ngoài vùng sát thương... Trong điều kiện không ai giúp đỡ, thì trao đổi qua liên lạc với cabine lân cận cũng giảm được stress.

Đánh giá công việc của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, tôi dám khẳng định: tất cả chúng tôi là những nhà chuyên nghiệp chính cống trong công việc của mình và đã cất công tìm được các phương pháp hữu hiệu hơn cả trong cuộc đấu tranh chống một đối thủ kém chuyên nghiệp hơn. Tất cả các đồng đội tôi đã đóng góp lớn vào cuộc đấu tranh thắng lợi của Quân đội Nhân dân Việt Nam chống máy bay Mỹ, trước hết là chỉ huy trung đoàn V. V. Fyodorov, các chỉ huy tiểu đoàn S. Vorobiev, I. Volodin, I. Pozhidaev, Samorukov, tất nhiên là có các sĩ quan điều khiển V. Scherbakov, Yu. Kulkov, Romaniuk.

Trong quá trình chuẩn bị khí tài và tính toán chiến thuật họ đã thể hiện tính hiệp đồng tác chiến cao, biết tìm ra và khắc phục hỏng hóc nhanh. Không có trường hợp báo động máy bay địch đến mà tiểu đoàn không sẵn sàng chiến đấu.

Đặc biệt, kỹ thuật viên thượng úy N. V. Serebryansk và chỉ huy đại đội phóng thượng úy G. Ya. Selomytov. Kỹ thuật viên nhận và truyền thông tin bị thương, trung úy Ganzha đã thay thế kịp thời.

Đòi hỏi đặc biệt cao đối với bộ phận tính toán của cabine điều khiển được các thao tác viên đáp ứng đầy đủ. Chính nhờ tay nghề cao của họ mà đảm bảo được điểm gặp giữa tên lửa và mục tiêu.

Trung sĩ Vladimir Prokhorov, về sau sang trung đoàn khác, nhưng vì thành tích chiến đấu xuất sắc đã được huân chương Cờ Đỏ.
Học viên Việt Nam tôi nhớ có trung sĩ Long, các chiến sĩ Giáp, Bằng và người tôi trực tiếp hướng dẫn – sĩ quan điều khiển thiếu úy Trung. Vào trận, họ hành động đúng như đã học.

Đại tá Rim Alexandrovich Kazakov

Sinh ngày 11/11/1938 tại Margilan, thuộc vùng Fergana, Uzbekistan. Tốt nghiệp trường Không quân Irkutsk (1959), được cử về Bryansk, đơn vị 260 tên lửa phòng không quân khu Moskva. Từ tháng 4/1966 đến tháng 1/1967 cùng trung đoàn đó tham chiến tại Việt Nam, làm sĩ quan điều khiển trung đoàn 274, bắn rơi 4 máy bay Mỹ.

Về nước, làm học viên Học viện Phòng thủ Không gian tại thành phố Kalinin (1967-1972), ra làm thủ trưởng Trung tâm liên lạc của quân đoàn phòng thủ không gian Sevastopol (1972-1975), tham mưu trưởng thành phố Mukatrevo (1975-1985) rồi thủ trưởng sư đoàn trinh sát phòng không quân khu Moskva.

Được tặng thưởng huân chương Cờ Đỏ và 12 huy chương, trong đó có huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Đại tá Rim Alexandrovich Kazakov (Đăng Bẩy chuyển ngữ)