Mỗi ngày xảy ra hơn triệu trận động đất, Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Theo nguồn tin từ Viện Địa vật lý ứng dụng, mỗi ngày trên thế giới xảy ra hơn một triệu trận động đất. Trong đó có những trận động đất mạnh kéo theo sóng thần, với sức tàn phá khủng khiếp như “thảm họa động đất” vừa xảy ra tại Indonesia.Vậy động đất lớn xay ra trên thế giới có ảnh hưởng đến Việt Nam? Làm sao hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn khi tần suất động đất ở Việt Nam đang ngày phổ biến?
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).
Để giải đáp những thắc mắc trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều-Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng, một trong những chuyên gia hàng đầu về động đất ở Việt Nam.
Động đất từ “Vành đai lửa” khó ảnh hưởng tới Việt Nam
PV: Thời gian qua, trên thế giới liên tiếp xảy ra rất nhiều trận động đất mạnh (như trận động đất vừa xảy ra ở Indonesia), gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Những trận động đất này có gì bất thường không, thưa ông?
PGS.TS Cao Đình Triều: Phải nói là động đất là một hiện tượng tự nhiên và hoạt động theo chu kỳ. Thông thường trước khi xảy ra những trận động đất lớn sẽ xuất hiện những trận động đất bé, coi như động đất báo trước.
Lâu nay, các trận động đất lớn chủ yếu xảy ra ở phần “Vành đai lửa” Thái Bình Dương (một trong những khu vực xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhiều nhất trên thế giới), đi từ Nhật Bản qua Đài Loan, xuống Philippines rồi qua Indonesia.
Thông thường, theo dự báo thì những trận động đất cỡ 7,5 độ có thể gây ra sóng thần, nhưng sóng thần rất bé. Thế nhưng, trận động đất mới xảy ra tại vùng Sulawesi (Indonesia) tuy chỉ có 7,5 độ, nhưng lại gây thiệt hại rất lớn.
Nguyên nhân có thể là do trận động đất này xảy ra ở đới hút chìm, gây ra sạt lở lớn ở dưới đáy biển, kéo theo sóng thần. Khi sóng thần đâm vào thành phố, gặp đường dẫn bé đã làm tăng chiều cao của sóng thần lên tới 6m, gây ảnh hưởng nặng nề.
Một nhà thờ Hồi giáo bị sóng thần cuốn đổ sau trận động đất-sóng thần ở Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Thông thường những trận động đất xảy ra ở các nước cỡ bao nhiêu độ sẽ tác động cũng như gây ảnh hưởng đến Việt Nam, thưa ông?
- Ảnh hưởng hay không còn tùy vào khoảng cách, vị trí xảy ra động đất. Nếu động đất xảy ra ở xa, hay ở vùng biển khép kín ở “Vành đai lửa” Thái Bình Dương thì rất khó ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ví dụ, động đất xảy ra ở vùng Sulawesi (Indonesia) kéo theo sóng thần thì cũng chẳng ảnh hưởng đến nước ta. Tuy nhiên, nếu động đất kéo theo sóng thần xảy ra ở đới hút chìm Manila thì sóng thần có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng động đất cũng phải trên 8 độ. Còn nếu không gây ra sóng thần thì sẽ không ảnh hưởng gì.
Còn trong phạm vi gần hơn, nếu động đất mạnh xảy ra ở các nước láng giềng như Trung Quốc (vùng Côn Minh, Vân Nam), Lào (Bắc Lào), thì có thể sẽ ảnh hưởng đến nước ta, nhưng không lớn. Còn Nam Lào và Camphuchia dường như động đất bé nên khó ảnh hưởng. Vậy nên, cứ yên tâm đi.
Tại Việt Nam, động đất mạnh có thể xảy ra ở vùng Tây Bắc
Tại Việt Nam, thời gian qua cũng liên tiếp xảy ra rất nhiều trận động đất, đặc biệt là vùng Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam (chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra tới 74 trận động đất). Vì sao động đất có thể xảy ra liên tục như vậy?
- Động đất xảy ra ở Bắc Trà My trong thời gian qua là động đất kích thích (động đất bé). Nguyên nhân xảy ra động đất là do áp lực của mực nước hồ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Trong đó, vùng Sông Tranh 2, chúng tôi dự báo động đất tối đa cũng chỉ có 4,7 độ thôi, và nó đã xảy ra rồi.
Thời gian tới, khu vực Bắc Trà My có thể sẽ còn xảy ra động đất, nhưng cũng chỉ bé, chủ yếu là dưới 4 độ thôi. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực mà cấu trúc địa chất có sự biến động, tạo cơ hội cho động đất kích thích hoạt động tương đối lâu dài.
Những trận động đất bé xảy ra ở khu vực này tuy không gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạnh của người dân, song vẫn khiến người dân hoang mang, lo lắng. Riêng với những ngôi nhà xây dựng không được kiên cố thì có thể ảnh hưởng một chút.
Còn những vùng khác trên cả nước thì sao, thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, động đất là một hiện tượng tự nhiên và hoạt động theo chu kỳ. Thông thường trước khi xảy ra những trận động đất lớn sẽ xuất hiện những trận động đất bé, coi như động đất báo trước.
Ở Việt Nam mình, khu vực Tây Bắc là có khả năng xảy ra động đất mạnh nhất. Tuy nhiên, trận động đất mạnh lên tới 6,7 độ thì mới xảy ra vào năm 1983 ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Cho nên trong thời gian ngắn, những trận động đất lớn như vậy sẽ rất khó xảy ra. Nếu có thì cũng phải một thời gian nữa.
Trước mắt, trong vài năm tới, động đất mạnh sẽ không xảy ra.
Các khu vực khác như Bắc Trung bộ, động đất cũng thường xảy ra nhưng không lớn. Vùng Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có khả năng xảy ra động đất nhưng không lớn như ở Tây Bắc. Còn những vùng khác như Nam Bộ thì động đất xảy ra yếu hơn.
Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. (Nguồn: Vietnam+).
Không thể chủ quan trước động đất nhỏ
Thông thường động đất cỡ bao nhiêu độ thì sẽ phải thông báo, cảnh báo, thưa ông?
- Ở trên thế giới, thông thường thì động đất cỡ trên 5 độ người ta mới để ý. Còn Việt Nam thì động đất 3,5 độ là phải thông báo rồi, dù đây cũng chỉ là động nhỏ và nó không ảnh hưởng gì. Còn nếu động đất kích thì khoảng từ 2 độ trở lên là thông báo. Dưới 2 độ thì xay ra quá nhiều, nhiều khi không phát hiện được.
Thông thường, những trận động đất từ 3 đến 4,5 độ không ảnh hưởng gì, vì với độ sâu của động đất với cách thức xây dựng ở nước ta thì rất khó ảnh hưởng. Tuy nhiên từ xấp xỉ 5 trở lên là phải để ý. Ví dụ như trận động đất năm 2001 ở Điện Biên, dù chỉ có 5,5 độ thôi những cũng làm nứt nhà của dân rồi.
Như ông nói thì rõ ràng động đất đang xảy ra rất phổ biến, trong đó có rất nhiều trận động đất nhỏ chưa được ghi nhận, thông báo?
- Nếu tính tỉ mỉ ra, thì mỗi ngày trên đất xảy ra hơn triệu trận động đất, vấn đề là nó mạnh hay yếu thôi. Phần lớn các trận động đất mạnh chỉ tập trung ở các đới hút chìm, đới đụng độ. Còn những trận động đất kích thích thì dường như rất phổ biến, và nó xảy ra theo quy luật của tự nhiên.
Vì thế, những trận động đất dưới 4 độ thì cứ yên tâm, sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải tìm hiểu, và không thể chủ quan.
Xin trân trọng cảm ơn ông!