Không chủ quan với bệnh lùn sọc đen trên lúa

Thu Hoài 06/10/2018 07:00

Mặc dù trong vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2018 bệnh lùn sọc đen trên cây lúa được kiểm soát, không gây thiệt hại nghiêm trọng, song năm 2019 các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ không nên lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống bệnh hại nguy hiểm này.

Đây là cảnh báo của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa năm 2018 và Hội thảo quản lý tính kháng thuốc bảo vệ thực vật của rầy nâu và rầy lưng trắng. Sự kiện được tổ chức ngày 5/10, do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh Thái Bình phối hợp.

Bệnh lùn sọc đen do virus lùn sọc đen phương Nam gây ra và rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam và bùng phát thành dịch trong vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2009 gây hại tập trung tại 9 tỉnh, tổng diện tích nhiễm bệnh là 42.000 ha, diện tích nhiễm từ mức trung bình trở lên trên 27.300 ha; trong đó, mất trắng trên 24.200 ha.

Giai đoạn từ 2010 - 2016, bệnh xuất hiện rải rác và mức độ gây hại nhẹ. Nhưng, đến vụ Mùa 2017 bệnh bùng phát trở lại, gây thiệt hại nặng trên diện rộng tại 22 tỉnh, thành phố từ Lào Cai đến Quảng Trị. Tổng diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2017 là gần 62.100 ha, tăng 1,5 lần so với năm 2009; diện tích nhiễm nặng 22.600 ha, mất trắng 22.726 ha.

Trong đó, các tỉnh Bắc Bộ bị thiệt hại nặng nề với trên 54.600 ha lúa nhiễm bệnh và trên 18.600 ha diện tích lúa không cho thu hoạch. Riêng tỉnh Thái Bình, vụ Mùa 2017 bệnh lùn sọc đen đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa tại 3 huyện Kiến Xương, Tiền Hải và Thái Thụy với gần 6.600 ha lúa mất trắng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quý Dương cho biết, bệnh lùn sọc đen là loại bệnh nguy hiểm bậc nhất đối với cây lúa. Cây lúa ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh bị nhiễm virus sẽ không trỗ được hoặc giảm năng suất nghiêm trọng. Đặc biệt, bệnh chưa có thuốc đặc trị nên biện pháp chủ yếu vẫn là phun thuốc phòng trừ rầy nâu và tiêu huỷ nguồn môi giới truyền bệnh.

Nếu không kịp thời phát hiện, khống chế dịch bệnh thì nguy cơ mất mùa hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc điểm của bệnh lùn sọc đen phát sinh trong cả vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu, vụ Mùa nhưng thường gây hại nặng trong vụ Hè Thu, vụ Mùa. Môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng xuất hiện rất sớm ngay từ khi lúa mới cấy.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2018 tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 930 ha diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen, giảm trên 61.200 ha so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, bảo vệ năng suất lúa.

Thu Hoài